Tăng thuế VAT: Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế vì người nghèo, chuyên gia phản bác

Hoàng Nhật Thứ ba, ngày 15/05/2018 14:32 PM (GMT+7)
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho rằng nếu duy trì thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, chuyên gia từng cho rằng việc tăng thuế là đánh mạnh vào túi tiền của dân nghèo
Bình luận 0

img

2 phương án tăng thuế VAT của Bộ Tài chính (Ảnh: I.T)

Tăng thuế VAT vì thuế thấp có lợi cho người giàu

Sau khi cử tri các tỉnh, thành phố Hậu Giang, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Thái Bình kiến nghị cân nhắc về việc tăng thuế GTGT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, vì người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Do vậy, gánh nặng thuế đối với mặt hàng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng cao hơn trong thu nhập của người thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Luật thuế GTGT nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

img

Nguyên nhân tăng thuế GTGT được đưa ra do thuế GTGT ở Việt Nam thấp hơn các nước

Bộ Tài chính đã có công văn trả lời số 17257/BTC-CST. Theo đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế gián thu thu vào hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và hiện đã có gần 170 nước áp dụng.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm nhanh nên tỷ lệ huy động cho ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế, phí cũng giảm nhanh, và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công.

Trên thế giới, trình trạng nợ công tăng cao khiến các nước, kể cả các nước phát triển, tiến hành cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt) để bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập và giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế. 

img

Mức thuế VAT ở một số nước trong khu vực (Ảnh: I.T)

Về mức thuế suất: Thống kê mức thuế suất thuế GTGT của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Mức thuế suất trung bình theo khu vực như sau: Thuế suất thuế GTGT trung bình  toàn cầu là 16%; ở Châu Á là 10,9%; Liên minh Châu Âu là 21,5%; Trung Âu và Nga là 18,6%; Châu Mỹ là 14%.

Theo Bộ Tài chính, thuế suất thuế GTGT ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đồng thời, điều tiết hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 11% vào năm 2019 và tăng lên mức 12% vào năm 2020.

Bộ Tài chính cho biết: “Do thuế GTGT là thuế gián thu và đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ tác động đến người tiêu dùng.

Cụ thể, theo Ngân hàng thế giới, đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% sẽ tăng chỉ số CPI một lần trong khoảng 0,06-0,39% do đó lạm phát do tăng CPI ở mức thấp này không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu duy trì thuế suất thuế GTGT thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo”.

Theo Bộ Tài chính, nội dung đề xuất sửa Luật thuế GTGT nêu trên đang trong quá trình gửi ý kiến Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia để gửi cơ quan thẩm định và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chuyên gia phản đối

Lời giải thích nêu trên của Bộ Tài chính từng bị không ít chuyên gia kinh tế phản bác.

img

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright

Theo TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, từ điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân/tháng của một nhân khẩu thuộc 20% dân số có thu nhập nhất là 660 nghìn đồng. Con số này ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất là 6,413 triệu đồng - gấp 9,7 lần nhóm thấp nhất.

Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4,2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48,6%.

Khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế VAT thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp hơn 2,6 lần nhóm cao nhất [(9%/4,2%)/(<40%/48,6%)].

"Nói cách khác là thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo. Như vậy kết luận phải là khi tăng thuế VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải là ngược lại", TS. Huỳnh Thế Du cho hay.

img

PGS. TS. Ngô Trí Long

Còn PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái” đánh vào người thu nhập thấp chịu nặng nề hơn. Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng, và chính sách an sinh xã hội.

“Ý kiến giải trình của Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo còn phiến diện, chưa thuyết phục. Bởi thuế VAT có tính lũy thoái, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, PGS. TS Ngô Trí Long giải thích.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với đề xuất tăng 2% thuế suất thuế GTGT sẽ tác động tăng chỉ số giá lên 2,28% và giảm mức tăng trưởng GDP 0,5% (Bộ KH&ĐT đánh giá tăng ngay từ mức 10% lên mức 12%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem