Giá trị sản xuất đất nông nghiệp TP.HCM chỉ bằng 0,01% đất công nghiệp

Thanh Toàn Chủ nhật, ngày 07/04/2024 13:11 PM (GMT+7)
Báo cáo về Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, giai đoạn 2021 - 2030, của UBND TP.HCM cho thấy, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp TP.HCM đạt 570 triệu đồng, chỉ bằng 0,01% so với 1 ha đất công nghiệp, khoảng 55 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Tăng trưởng ngành nông nghiệp TP.HCM có biểu hiện giảm sút

Báo cáo về Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, giai đoạn 2021 - 2030, của UBND TP.HCM còn cho biết, tăng trưởng ngành nông nghiệp TP.HCM thời gian qua có biểu hiện giảm sút, chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Theo đó, GRDP nông nghiệp của TP tăng trưởng chậm lại từ 5,51%/năm, giai đoạn 2011 - 2015, xuống 3,38%/năm, giai đoạn 2016-2020, và tăng trưởng âm 7,56%/năm trong, giai đoạn 2021 - 2022.

Mô hình trồng hoa nền của nông dân ở TP.Thủ Đức. Ảnh: Thanh Toàn

1yTăng trưởng ngành nông nghiệp TP.HCM thời gian qua có biểu hiện giảm sút, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Ảnh: Mô hình trồng hoa nền của nông dân ở TP.Thủ Đức. Ảnh: Thanh Toàn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời gian qua tập trung chủ yếu vào khuyến khích chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía, muối, vườn tạp). Quá trình này cũng thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và tiềm năng theo hướng công nghệ cao.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch ngành nông nghiệp TP còn chậm. Hiệu quả của việc chuyển dịch chưa cao và có biểu hiện giảm sau dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, năng suất bình quân 1 lao động nông nghiệp từ 185 triệu đồng (năm 2020) giảm xuống 166 triệu đồng (năm 2022); chỉ bằng 0,21% năng suất lao động các ngành nghề khác.

Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 583 triệu đồng (năm 2020) giảm xuống 570 triệu đồng (năm 2022). Giá trị này chỉ bằng 0,01% so với 1 ha đất công nghiệp, khoảng 55 tỷ đồng/năm.

Trong khi đất nông nghiệp khác (xây dựng nhà kính, chuồng trại, kho xưởng) tạo giá trị sản xuất nông nghiệp cao lại chuyển đổi chậm. Các loại đất này hiện chiếm 0,63% đất nông nghiệp (chưa tính đất rừng).

Nông dân trồng lúa ở huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Toàn

Tốc độ chuyển dịch ngành nông nghiệp TP còn chậm. Ảnh: Nông dân trồng lúa ở huyện Củ Chi. Ảnh: Thanh Toàn

Cơ chế, chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thời gian qua cũng chưa đủ mạnh, và các vướng mắc chậm tháo gỡ.

Các tác động tiêu cực của đô thị hóa, như đất nông nghiệp quy hoạch thiếu ổn định, giá bồi thường sang nhượng đất đai tăng, điều kiện sản xuất thay đổi nhanh theo chiều hướng bất lợi.

Những điều này cũng kéo theo việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn.

Công nghiệp phục vụ nông nghiệp TP.HCM tồn tại nhiều hạn chế

Công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm trong những năm qua chưa có nhiều chuyển biến.

Trong 3 năm (2020 - 2022), lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm 5.680 doanh nghiệp và 146.904 lao động. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng dưới 50 lao động chiếm tới 93,61%.

Các sản phẩm công nghệ sinh học đưa vào sản xuất còn ít, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu chọn, tạo giống cây, giống con chất lượng cao.

Tuy nhiên, chất lượng và giá thành cây, con giống chưa thể cạnh tranh với các giống nhập ngoại. Quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa cụ thể cho từng đối tượng.

Đội ngũ nhân lực trực tiếp sản xuất nông nghiệp của TP hiện nay còn thấp so với ngành kinh tế khác. Phần lớn lao động phổ thông, giản đơn, làm theo kinh nghiệm, thời vụ.

Chất lượng đội ngũ nhân lực trực tiếp sản xuất nông nghiệp của Thành phố hiện nay còn thấp so với ngành kinh tế khác. Ảnh: Thanh Toàn

Chất lượng đội ngũ nhân lực trực tiếp sản xuất nông nghiệp TP.HCM hiện nay còn thấp so với ngành kinh tế khác. Ảnh: Thanh Toàn

Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu theo hình thức hộ gia đình nên việc áp dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học và công nghệ còn gặp nhiều khó khăn,

UBND TP.HCM cho biết, đã có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị được ban hành. Nhìn chung, các chính sách này vẫn chưa tạo sức đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị là một chính sách đặc thù, thể hiện tư duy đổi mới của TP. Chính sách được triển khai từ năm 2011, nhưng từ năm 2020 đến nay gặp nhiều vướng mắc từ việc bố trí nguồn kinh phí đến việc giải ngân kinh phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem