Làm sao "xé" rào cản để chuyển đổi số trong nông nghiệp TP.HCM?
Làm sao "xé" rào cản để chuyển đổi số trong nông nghiệp TP.HCM?
Lê Giang
Thứ sáu, ngày 29/03/2024 16:45 PM (GMT+7)
Nông nghiệp TP.HCM đang tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên còn không ít rào cản gây khó cho quá trình này. Việc tìm giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là lời giải khó.
Trong thời gian qua, nông nghiệp TP.HCM tiếp tục phát triển theo đúng định hướng là nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; thực hiện đúng chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tập trung công tác quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các sở ngành TP.HCM. Việc đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả với hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đang có được những hiệu quả bước đầu.
Tuy nhiên hiện nay, có thể nhìn nhận rằng vẫn còn một số rào cản gây khó khăn cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong đó, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán. Việc khai thác đất trong sản xuất nông nghiệp còn chưa thực sự hiệu quả do trình độ cơ giới hóa còn thấp và chưa sử dụng nhiều công nghệ hỗ trợ.
Mặt khác, người nông dân còn e ngại trong việc chuyển đổi số do còn quá mới mẻ và thiếu hiểu biết về kinh doanh thương mại điện tử. Doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuyển đổi số còn ít. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế nên khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp của hộ nông dân còn hạn chế, khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong nước do điều kiện thế chấp đất nông nghiệp chỉ vay được hạn mức thấp, không đủ chi phí đầu tư. Cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ về môi trường, thị trường, công nghệ còn thiếu; tổng hợp dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.HCM, Thành phố đã tập trung đẩy mạnh triển khai nông nghiệp số, giúp nông dân tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn đưa lên sàn giao dịch điện tử, loại bỏ các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua; hạn chế được điểm yếu mà sản xuất truyền thống đang gặp phải. Đó là thiếu hợp tác, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái trung gian, cạnh tranh để bán nông sản đầu ra nên phải hạ giá.
Các cấp Hội Nông dân Thành phố cũng đã có chương trình phối hợp với Bưu điện Thành phố và bưu điện các huyện, quận hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, đã thực hiện rà soát thông tin và đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng của các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và phối hợp phát triển sàn Postmart.vn trở thành sàn giao dịch sản phẩm nông sản an toàn phổ biến, quen thuộc của người dân.
Một số Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở đã liên kết với các doanh nghiệp và phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, đoàn thể trong việc hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử MekongExpo, Alibaba.com và nhiều hộ nông dân đã có tài khoản đăng ký tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.