Tập huấn về truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá: Ít kinh phí, vẫn nhiều mô hình hiệu quả

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 09/10/2015 06:45 AM (GMT+7)
Công tác triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và phía Nam vẫn còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Trong khi đó, nhiều địa phương đã vận dụng một số mô hình linh hoạt đem lại hiệu quả.
Bình luận 0

Dựa vào truyền thông địa phương

Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) vừa tổ chức tập huấn “Lập kế hoạch truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá” tại TP.HCM trong 2 ngày 1 và 2.10. Đại biểu của 31 tỉnh thành khu vực miền Trung và phía Nam đã về tham dự lớp tập huấn. Mọi người đều nhận định việc tuyên truyền PCTHTL là cần thiết, tuy nhiên hiện nay nguồn kinh phí truyền thông còn hạn hẹp. Ông Phan Công Duẩn - đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại, kinh phí cho các hoạt động in ấn tờ rơi, đặt bảng tuyên truyền tác hại của thuốc lá… trên địa bàn hết sức ít ỏi. Thêm vào đó là sự phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền hoạt động PCTHTL cũng còn rất hạn chế.

img

Các đại biểu tham gia tập huấn sôi nổi bàn về các biện pháp truyền thông sao cho hiệu quả. Ảnh:  Quốc Hải

“Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền PCTHTL được thông tin qua kênh phát thanh và truyền hình của địa phương là chính, tuy nhiên công tác này lại không được thường xuyên” - ông Duẩn nói.

Cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí, đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Do nguồn lực và điều kiện chưa cho phép nên công tác PCTHTL mới được triển khai gần 1 năm nay nhưng chủ yếu là làm ở các bệnh viện, riêng hoạt động phòng chống thuốc lá ở cộng đồng thì vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm kinh phí để triển khai hoạt động tuyên truyền không hút thuốc lá ở 12 trường THPT trong tỉnh”.

Ngoài nguồn kinh phí eo hẹp, nhiều đại biểu tham dự tập huấn cũng cho rằng việc xử phạt hành vi vi phạm- hút thuốc lá nơi công cộng- hiện nay cũng không nghiêm nên khó… “chữa dứt bệnh”. Ông Phạm Văn Thăng - Phòng Y tế Hội An (Quảng Nam) nhận định: “Dù có đưa ra mức xử phạt cao thì cũng khó triển khai. Tôi lấy ví dụ, có lần đi kiểm tra hút thuốc lá ở bệnh viện, khi đưa ra mức xử phạt thì người vi phạm cũng chẳng có tiền nộp. Vậy cũng huề cả làng vì chẳng lẽ người ta không nộp tiền thì bắt giữ người ta lại hay sao?”.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Trước những khó khăn của nhiều địa phương trong công tác triển khai chiến dịch truyền thông PCTHTL, tại buổi tập huấn, nhiều kế hoạch truyền thông đã được đưa ra. Đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình thí điểm “Không khói thuốc lá trên các chuyến xe bus” tại Công ty CP Vận tải Sóc Trăng. Cụ thể, công ty có 60 đầu xe buýt, mỗi ngày xuất bến 40 lượt. Theo khảo sát, mỗi lượt có khoảng 15% hành khách hút thuốc, 45/50 tài xế của công ty nghiện thuốc lá. Do vậy, cần phải có sự tuyên truyền PCTHTL trên xe bus. Mục tiêu của mô hình là 90% số hành khách không hút thuốc trên xe; 90% số tài xế và nhân viên bán vé hiểu luật, không hút thuốc và nhắc nhở khách không hút thuốc trên xe.

Trong khi đó, đến từ một tỉnh thành nổi tiếng thực hiện nghiêm môi trường không khói thuốc, ông Đặng Văn Sơn- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nói: “Chúng tôi xác định các em học sinh là yếu tố “truyền thông đa chiều” tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá trong các gia đình và PCTHTL nơi công cộng. Cụ thể, thông qua các hoạt động phong trào, hội đoàn, nhà trường sẽ tuyên truyền cho các em biết rõ tác hại của thuốc lá, cho các em xem hình ảnh về tác hại thuốc lá đến sức khỏe con người. Từ những kiến thức này, các em về gia đình và có những can thiệp nhỏ để bố mẹ, anh chị bỏ thuốc dần”.

Ngoài những ý kiến đóng góp của các đại biểu, với vai trò là giảng viên tập huấn, bà Mego Lien - đại diện Tổ chức Quỹ Lá phổi thế giới cũng “hiến kế” thêm, chẳng hạn ở các địa phương, có thể sử dụng các kênh truyền thông gây chú ý như: Lập đường dây tư vấn cai nghiện, lập các trang facebook đăng tải hình ảnh tác hại của thuốc lá; tập huấn cho lãnh đạo khu dân cư; triển khai cho các cơ sở y tế cộng đồng, các cán bộ y tế cùng với tờ rơi… 

 Bà Mego Lien cho rằng: “Dù bằng biện pháp nào thì chúng ta cũng cố gắng xây dựng các thông điệp. Như việc áp đặt những nguy cơ sức khỏe lên những người không hút thuốc lá không công bằng, những người đang cố gắng kiếm sống và hưởng thụ những nơi công cộng. Hoặc đưa ra một giải pháp, tốt nhất là định hướng chính sách hay các chuẩn mực xã hội có liên quan, ví dụ như người không hút thuốc có quyền được thở không khí trong lành tại nơi làm việc   và công cộng, các chính sách về không khói thuốc cần được   quan tâm và hỗ trợ”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem