Tránh vận động quá sức
GS Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, tỷ lệ cao huyết áp của người Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu quốc gia về tình trạng tăng huyết áp của người Việt trưởng thành (trên 25 tuổi) năm 2016, tỷ lệ người dân bị tăng huyết áp chiếm tới 47,3%, cao gần gấp đôi so với điều tra năm 2008 (25,1%). Ngoài ra, tuổi càng cao tỷ lệ tăng huyết áp càng gia tăng. Nếu tuổi 19-25 chỉ có 12,4% bị tăng huyết áp thì đến năm 40-44 tuổi, tỷ lệ này là 25,2%, 50-54 tuổi là 45%; 70-74 tuổi là 78,6%, còn trên 85 tuổi lên tới 87,9%. “Những người ngoài 50 tuổi đặc biệt phải chú ý khám sức khoẻ định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên để kiểm soát sự gia tăng bất thường của huyết áp. Nếu chủ quan với huyết áp của mình, người dân có thể chịu cảnh tàn tật hoặc tử vong nếu bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim…” – GS Việt nhận định.
Người cao tuổi cần khám sức khoẻ định kỳ để kiểm soát huyết áp. Ảnh chụp tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Ảnh: Diệu Linh
Người dân cần đi khám bệnh định kỳ để xem mình có bị tăng huyết áp hay không. Nếu đã bị cao huyết áp mà bác sĩ chỉ định uống thuốc thì phải kiên trì điều trị, không bỏ thuốc. Nếu chưa bị tăng huyết áp, thì chỉ cần dự phòng bằng lối sống lành mạnh”.
PGS Đỗ Doãn Lợi
|
Theo GS Việt, người bị tăng huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi cần chú ý không vận động quá mạnh, quá lâu. Nếu có tập thể dục cũng nên lựa chọn các môn vận động nhẹ nhàng, không di chuyển gấp, mạnh. Khi tập thể dục xong, nếu cảm thấy cơ thể khó chịu phải đo huyết áp ngay và có các biện pháp cấp cứu kịp thời.
PGS-TS Mai Duy Tôn - Trưởng Phòng cấp cứu 1, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiểu biết của người dân về đột quỵ còn hạn chế nên không cách sơ cứu, sơ cứu sai khiến bệnh nặng thêm hoặc đưa bệnh nhân đến viện quá muộn.
“Tiến triển của bệnh đột quỵ rất nhanh nên cần đưa bệnh nhân đến viện ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ. Không để bệnh nhân ở nhà và dùng các mẹo, thuốc dân gian để “thử cứu”. Khoảng “thời gian vàng” của bệnh nhân đột quỵ nhiều nhất là 4-5 giờ sau khi có các dấu hiệu đột quỵ. Nếu trì hoãn, dù được cứu sống nhưng não cũng sẽ bị ảnh hưởng” – PGS Tôn cho biết.
Dấu hiệu đột quỵ
Theo PGS Tôn, đột quỵ thường có các triệu chứng: Đột ngột khó nói, nói ngọng hoặc không nói được, yếu mệt, tê bì chân tay hoặc liệt 1 bên tay, chân, đau đầu dữ dội, mất thị lực. Có người kèm theo chóng mặt, mất thăng bằng, hôn mê, rối loạn ý thức. Để kiểm tra một người có bị đột quỵ hay không nên yêu cầu bệnh nhân cười, nói, giơ tay. Nếu mồm méo hoặc mặt méo, khó đưa tay hoặc giọng nói méo thì đến 90% bệnh nhân bị đột quỵ. Khi đó cần gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến bệnh viện thật nhanh.
“Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người thân có thể đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, kê cao gối 30-45 độ, nới rộng quần áo cho thông thoáng. Nếu thấy bệnh nhân ngừng tim phải kêu gọi hỗ trợ ép tim. Nếu bệnh nhân bị nôn thì xoay đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên để tránh bệnh nhân bị sặc. Còn bệnh nhân bị co giật thì dùng đũa, thìa quấn vải và đặt ngang miệng để tránh bệnh nhân cắn vào lưỡi. “Trong thời gian này tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống vì có thể gây sặc, làm ngạt đường thở” – PGS Tôn nhấn mạnh.
GS Việt cho biết, trời lạnh là “kẻ thù” của bệnh tăng huyết áp. Do đó, người tăng huyết áp, người cao tuổi không nên dậy sớm, ra khỏi giường đột ngột. Nếu bất chợt gặp lạnh sẽ khiến mạch co lại gây vỡ mạch máu, tắc mạch máu làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo PGS Tôn, trong vài tuần gần đây khi miền Bắc trở lạnh, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đột quỵ đã tăng 10-15% so với ngày nóng ấm (khoảng 30 bệnh nhân/ngày). Đối với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ nguy cơ bị tái phát khá cao. Tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên khoảng 25%.
Theo PGS Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tính riêng các ca tử vong vì bệnh thiếu máu cơ tim (vì tăng huyết áp), mỗi năm Việt Nam cũng có khoảng 100.000-150.000 ca, cao gấp 10-15 lần số người chết vì tai nạn giao thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.