Tập trung 5 nhiệm vụ

Thứ năm, ngày 10/02/2011 05:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều cho biết, để tiếp tục tham gia có hiệu quả vào Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2011, các cấp Hội tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Bình luận 0
img
Lớp dạy nghề vi tính do Hội ND Hải Dương tổ chức tại huyện Gia Lộc.

Những nhiệm vụ đó là: Tuyên truyền, vận động ND tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về học nghề, việc làm cho ND; hoàn thiện Chương trình, giáo trình, học liệu và danh mục thiết bị dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề; tham gia giám sát tình hình thực hiện Đề án tại địa phương.

Điểm nổi bật trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho ND trong năm 2010 của các cấp Hội là gì, thưa Phó Chủ tịch?

- T.Ư Hội NDVN đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956. Đến nay, 63/63 Hội ND tỉnh, thành phố đã cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định (QĐ) 1956 của địa phương; 60/63 Hội ND các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo hoặc ban hành nghị quyết, chương trình hành động, xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ đã được phân công.

Năm 2010, các cấp Hội trên cả nước đã tham gia dạy nghề cho 265.851 lao động; trong đó Hội trực tiếp dạy nghề cho 97.000 ND; cấp chứng chỉ nghề cho 36.500 người; tư vấn giới thiệu việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Theo kế hoạch, năm 2011, các cấp Hội dạy nghề cho 200.000 lao động nông thôn, trong đó Hội trực tiếp dạy nghề cho 100.000 ND.

Ban Chỉ đạo T.Ư Hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; đề xuất kịp thời việc phân bổ nguồn kinh phí có mục tiêu thực hiện QĐ 1956. Các đơn vị trực thuộc T.Ư Hội đã triển khai các hoạt động; chỉ đạo các đơn vị làm công tác truyền thông tuyên truyền, vận động ND trên các ấn phẩm phát hành hàng ngày và các ấn phẩm chuyên đề.

Các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống Hội ND tham gia dạy nghề ngắn hạn, tại chỗ cho hàng vạn hội viên, ND. Một số tỉnh, thành Hội xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, như Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội ND Hải Dương với mô hình Dạy nghề may công nghiệp;Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Hội ND An Giang với mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho đồng bào Khơme tại các địa bàn biên giới...

Thực tế, một số tỉnh, thành Hội vẫn còn lúng túng trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Nguyên nhân là do đâu, thưa Phó Chủ tịch?

img
 

- Việc Hội ND một số tỉnh, thành chưa triển khai trực tiếp dạy nghề cho lao động nông thôn là do chưa hoàn thiện các thủ tục và điều kiện theo quy định để tham gia dạy nghề: Giấy phép, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu, giáo trình đào tạo nghề…

Ngoài ra, tại nhiều địa phương, Hội ND không phải là một đầu mối được phân bổ nguồn kinh phí; việc phối hợp dạy nghề cho ND giữa Hội NDVN và các cơ quan chức năng, tổ chức và pháp nhân khác còn mang nặng tính vận dụng; hạn chế nhiều đến năng lực của các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống Hội, đồng thời làm giảm hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho ND nói riêng.

T.Ư Hội có đề xuất gì để tháo gỡ những bất cập này?

- T.ư Hội đã đề nghị Tổng cục Dạy nghề xác định Trường Trung cấp Nghề của Hội NDVN là trường trọng điểm để đầu tư cơ sở vật chất, phân bổ kinh phí. Năm 2011 và các năm tiếp theo, Tổng cục Dạy nghề bố trí kinh phí tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đặt hàng dạy nghề đối với một số nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các nghề khó tuyển sinh mà Hội NDVN có thế mạnh trong việc thực hiện so với các tổ chức khác; Tổng cục Dạy nghề căn cứ vào QĐ1956 để phân bổ kinh phí nhằm tiếp tục duy trì hoạt động tư vấn miễn phí cho ND, tham gia giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các địa phương…

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem