Tất tần tật quy định về "vạch xương cá"

Bảo Linh Thứ năm, ngày 25/11/2021 16:12 PM (GMT+7)
Theo luật sư, "vạch xương cá" là cách gọi dân dã, trong quy định pháp luật đây là Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G QCVN 41:2019/BGTVT.
Bình luận 0

"Vạch xương cá" là gì?

Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội chia sẻ về vụ việc một người điều khiển xe máy bị cảnh sát giao thông bắt lỗi vì đè "vạch xương cá" khi tham gia giao thông trên đường.

Theo clip, khi "vạch xương cá" nối liền vào phần đường dành cho xe máy trước đó và bên trái là vạch kẻ liền. Nếu người đi xe máy tiếp tục đi thẳng thì mắc lỗi đè vạch xương cá. Nếu đi sang làn bên trái để né vạch xương cá thì sợ mắc lỗi đè vạch kẻ liền.

Trao đổi với Dân Việt về trường hợp trên, luật sư Trần Thế Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Đối với lỗi xương cá ghi nhận trong clip được chia sẻ rầm rộ trên diễn đàn mạng xã hội, có thể thấy cách kẻ vạch xương cá rất bất hợp lý khiến người đi xe gắn máy không có lựa chọn nào khác mà buộc phải đi qua nếu không rất có thể sẽ dẫn đến tai nạn giao thông khi lưu thông vào phần đường của xe ô tô.

Việc kẻ vạch đường này đã vi phạm điều 52.5 QCVN 41:2019/BGTVT: "Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định".

Như vậy, chính cách kẻ vạch xương cá này phần nào không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông".

Luật sư cho hay: "Trong quy định của pháp luật không có khái niệm về vạch xương cá. Đây là cách người dân thường gọi Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G QCVN 41:2019/BGTVT.

Hình dạng của vạch được người dân hình tượng hoá như chiếc xương cá nhằm dễ nhận biết, dễ hình dung khi tham gia giao thông".

vạch xương cá.jpg

Theo luật sư, "vạch xương cá" là cách gọi dân dã, trong quy định pháp luật đây là Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G QCVN 41:2019/BGTVT. Ảnh minh họa.

"Vạch xương cá" dùng để làm gì?

Theo luật sư, vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường.

Khi vạch 4.2 được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Do đó, tương tự vạch kẻ liền, trên vạch xương cá (vạch 4.2), người tham gia giao thông không được phép dừng, đỗ xe hay đi đè lên vạch.

Lỗi đè "vạch xương cá" bị phạt thế nào?

Theo luật sư, lỗi đè "vạch xương cá" sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Cụ thể mức phạt đối với phương tiện tham gia giao thông nếu như bị lỗi đè "vạch xương cá" theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau.

Đối với xe gắn máy, lỗi không chấp hành vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đối với ô tô, lỗi tương tự sẽ phải chịu mức xử phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem