|
Cây cao su trồng mới ở xã Nậm Tâm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. |
NTNN phỏng vấn ông Lê Quang Thung - quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Cao su VN (VRG) về định hướng này.
Được biết, VRG đang tiến hành trồng thử nghiệm cao su ở vùng Tây Bắc. Khi mở rộng diện tích trồng mới ở đây, VRG sẽ có những hỗ trợ gì cho ND?
- Chúng tôi bước đầu đã thử nghiệm và áp dụng mô hình của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - nơi có điều kiện như Tây Bắc và họ đã trồng được cao su. Thực tế, theo dõi tốc độ tăng trưởng của cây cao su đã trồng thử nghiệm ở Tây Bắc, chúng tôi thấy không thua kém gì cây cao su ở Tây Nguyên.
Mục tiêu năm 2011, tiếp tục trồng mới ở những vùng mới như ở Lào, Campuchia. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích cao su của VRG sẽ đạt 500.000ha cả trong và ngoài nước so với 312.000ha hiện nay.
Ông Lê Quang Thung
Đối với Tây Bắc, VRG phát triển cao su chủ yếu trên những diện tích mà người dân canh tác với hiệu quả rất thấp, đạt giá trị chỉ trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm. Từ đây, chúng tôi đề ra phương án để đồng bào góp đất với VRG, bởi đầu tư cho 1ha cao su rất tốn kém (chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng/ha), như thế đồng bào không thể trồng được.
Chúng tôi tính, mỗi 1ha của đồng bào sẽ được tính bằng 10.000 cổ phiếu (tương đương 10 triệu đồng) và đồng bào được nhận vào làm công nhân của công ty, sau đó chúng tôi lại khoán với mức chia lợi nhuận là người công nhân đó được hưởng 40% sản phẩm làm ra, 60% còn lại VRG hưởng.
Điều đó có nghĩa, nếu góp đất vào, đồng bào vừa được hưởng 40% sản phẩm, vừa được hưởng lợi nhuận tương đương 10% từ doanh thu của tập đoàn đối với 60% sản phẩm còn lại.
Trước đây, cà phê, chè, cây công nghiệp dài ngày cũng được trồng thử nghiệm ở Tây Bắc nhưng đã thất bại. Với cây cao su, liệu có chắc chắn thành công không, thưa ông?
- Đặc tính cây cà phê khác hoàn toàn cao su. Cà phê trồng phải có nước để tưới, còn cao su thì hoàn toàn không phải tưới. Không những thế, cao su là cây rừng, khi trồng xuống rồi sẽ tạo ra nguồn nước. Tôi khẳng định, phát triển cao su ở Tây Bắc là hoàn toàn có khả năng, nhưng không thể trồng theo kiểu phong trào. Bởi, cao su cần phải áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật tiên tiến mới làm được và chỉ có các doanh nghiệp mạnh của nhà nước mới làm được.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển cao su ở Tây Bắc cần phải xem xét hết sức thận trọng, vì có thể ảnh hưởng đến diện tích rừng ở đây. Về vấn đề này, VRG sẽ giải quyết ra sao?
- Phần lớn diện tích cao su ở Tây Bắc chúng tôi đang triển khai chủ yếu là theo mô hình dân góp đất, chứ chưa hề động đến diện tích đất rừng. Hiện, chúng tôi đã trồng được 10.000ha cao su ở 4 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Kết quả, sau 3 năm trồng rất khả quan. Cao su chịu được cả 3 mùa rét mà không vấn đề gì. Vấn đề là chúng ta phải lựa chọn nhiều loại giống để trồng ở các nơi khác nhau.
Kinh nghiệm trồng cao su ở Tây Bắc còn rất mới mẻ. Để phát triển mạnh cây cao su ở đây theo hướng tập trung, ngoài doanh nghiệp, theo ông nhà nước cần có những chiến lược, chính sách gì?
- Quan trọng là vấn đề đất. Ở Tây Bắc, trung bình mỗi hộ chỉ có 1-2ha đất, nếu như vậy họ chỉ được góp 1-2 người vào làm công nhân của VRG, như vậy số lao động còn dư thừa vẫn nhiều. Chúng tôi đã kiến nghị với một số địa phương nên chuyển đổi diện tích rừng nghèo sang trồng cao su để có 30% diện tích đất công, nhằm góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho đồng bào.
Đồng thời, nhà nước cần phải hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, còn VRG chủ yếu lo về sản xuất. Làm được như thế tương lai không xa, Tây Bắc sẽ có diện mạo hoàn toàn mới như ở Tây Nguyên từ việc phát triển cao su.
Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.