Tây Hồ: Người dân "phi ngựa" trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô

Phạm Hằng Thứ bảy, ngày 12/06/2021 15:01 PM (GMT+7)
Đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) nhiều năm nay xuống cấp trầm trọng, hàng ngày người dân đi trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô như đang 'phi ngựa'.
Bình luận 0

Mới đây, UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, chỉnh trang đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) với tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 14 tỷ đồng (trích từ nguồn ngân sách TP). 

Dự án do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đầu tư với chiều dài toàn tuyến là 3,3km, dự kiến thực hiện trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặt đường vẫn ngày càng xuống cấp trầm trọng nhưng chưa thấy dấu hiệu được sửa chữa. 

Clip: Hà Nội: Đường Thụy Khuê xuống cấp nghiêm trọng. (Thực hiện: Phạm Hằng).

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, đường Thụy Khuê kéo dài từ đường Thanh Niên đến chợ Bưởi giao với đường Lạc Long Quân, là tuyến phố lâu đời, giữ được nhiều nét truyền thống cổ xưa của Hà Nội.

Tuyến đường dài hơn 3km, tập trung nhiều cơ quan, trường học, lưu lượng phương tiện lưu thông hàng ngày rất đông. 

Tuy nhiên, gần đây, mỗi khi người dân đi trên đường Thụy Khuê người dân đều không khỏi bất an, bức xúc vì mặt đường xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vết nứt, chi chít "ổ gà", nắp cống, nắp bể cáp chằng chịt.

Tây Hồ: Người dân "phi ngựa" trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 2.

Hoạt động hạ ngầm cáp điện gây ảnh hưởng lớn đến đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội:. Ảnh: PHẠM HẰNG

Người dân sinh sống hai bên đường Thụy Khuê phản ánh, nguyên nhân của tình trạng này là do các đơn vị thi công hạ ngầm cáp điện, cống nước làm việc thiếu ý thức, trách nhiệm, hoàn trả lại mặt đường rất sơ sài, nhiều nơi cát sỏi vung vãi, mặt đường gồ ghề, gây nguy hiểm và mất an toàn cho người tham gia giao thông.

"Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, đường ống nước, điện ngầm được đào liên tục, nhưng lấp lại không chỉnh chu nên thành ra xuất hiện nhiều ổ gà...

Từ đường Thanh Niên đi đến Bưởi, người dân đi như 'phi ngựa', đường ở TP mà xấu hơn đường nông thôn", ông Nguyễn Anh Dũng (56 tuổi), làm nghề xe ôm trên đường Thụy Khuê ngao ngán.

Tây Hồ: Người dân "phi ngựa" trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 3.

Lòng đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) chật hẹp nhưng tập trung rất nhiều vết nứt, vá đường, ổ gà, nắp cống. Ảnh: PHẠM HẰNG

Quá bức xúc trước điệp khúc "đào lên lấp xuống" kéo dài trong nhiều năm qua ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, anh Quang – người dân sinh sống trên đường Thụy Khuê than: "Các hoạt động nâng cấp đường, sửa chữa hay trải đường hầu như không thấy mà chỉ thấy việc hạ ngầm đường điện thường xuyên và khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn.

Việc này gây ra nhiều bất tiện cho người dân, đặc biệt là những ngày mưa, nước đọng lại thành vũng rất nhiều, khi có phương tiện như ô tô nếu đi nhanh sẽ bị bắn lên người đi đường, bắn cả vào nhà, rất là bẩn".

Tây Hồ: Người dân "phi ngựa" trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 4.

Quá nhiều nắp cống, ổ gà trên đường gây khó khăn cho phương tiện lưu thông, đi phải tránh để không bị ngã. Ảnh: PHẠM HẰNG

Tây Hồ: Người dân "phi ngựa" trên con đường cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 5.

Đoạn đường rẽ vào ngõ 128 đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), đơn vị thi công hoàn trả sơ sài, khiến ống nhựa cáp điện lộ trên mặt đất. Ảnh: PHẠM HẰNG

Một nguyên nhân nữa được người dân sinh sống trên đường Thụy Khuê chỉ ra là do mật độ phương tiện giao thông di chuyển quá lớn, trong khi việc thi công kéo dài, xử lý không dứt điểm hiện trạng, càng khiến cho đoạn đường này xuống cấp nặng nề hơn. 

"Ở tuyến đường này cấm xe tải trên 10 tấn, nhưng cứ 9 – 10h đêm, nhiều xe container 40 feet (khoảng 30 tấn) chạy qua, khiến nhà rung, lắc lư", ông Tống Minh Khoa - sống và làm việc ở đường Thụy Khuê đã 65 năm phản ánh.

Trước thực trạng đang diễn ra trên tuyến đường Thụy Khuê, người dân mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc giải quyết dứt điểm những tồn tại. 

Đặc biệt, dự án sửa chữa, chỉnh trang tuyến đường cần được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, sớm trả lại mặt đường bằng phẳng cho người dân.

Ông Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, những phản ánh, kiến nghị của người dân, địa phương đã nắm được và đã đề nghị cơ quan chức năng chỉnh trang đồng bộ phục vụ người dân.

Thụy Khuê là một tuyến phố đẹp, còn lưu giữ lại được nhiều khu kiến trúc cổ, mang đậm văn hóa truyền thống Hà Nội xưa bởi tại đây có sự hiện diện của khá nhiều đình, đền, chùa và đặc biệt là các cổng làng cổ có lối kiến trúc khá độc đáo.

Đây cũng là tuyến đường có nhiều cổng làng nhất thủ đô, như cổng làng Đông Xã, cổng làng Yên Thái. Điều này làm cho đường Thụy Khuê mang dáng dấp cổ xưa của kinh thành Thăng Long cũ giữa phố thị hiện đại, đồng thời tạo cho phố Thụy Khuê một không gian làng xã ấm cúng, một nét đẹp rất riêng mà không con phố nào khác ở Hà Nội có được.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem