TBR225 “định vị” trên đồng đất Hà Nam

Thanh Thảo Thứ sáu, ngày 18/09/2020 11:39 AM (GMT+7)
Hà Nam là một trong những tỉnh có tỷ lệ gieo cấy giống lúa chất lượng cao lớn. Nhưng những năm gần đây, bệnh bạc lá hại lúa đã gây hại nặng cho vụ mùa, đặc biệt trên một số giống như Bắc thơm 7.
Bình luận 0

Vì vậy việc tìm ra những giống lúa có thể thay thế như Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá và TBR 225 có gen kháng bạc lá là vấn đề cấp thiết mà tỉnh Hà Nam đặt ra.

Tránh được diễn biến bất thuận của thời tiết

Với mục đích đó, vụ mùa 2020, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed xây dựng mô hình trình diễn giống lúa Bắc thơm 7 và TBR225 có gen kháng bạc lá tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục. Đây là 2 giống bản quyền của ThaiBinh Seed.

Giống lúa Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá được tạo ra bằng phương pháp lai Backcross chuyển gen kháng bạc lá (Xa5) vào giống Bắc thơm 7 và sử dụng phương pháp chọn giống có hỗ trợ của chỉ thị phân tử (MABC, MAS).

 Chọn kiểu gen kháng bạc lá (Xa5) qua các thế hệ BC5F5. Việc chuyển gen kháng bạc lá này vào vẫn giữ nguyên được đặc tính tốt của giống Bắc thơm, đáp ứng được mục tiêu chọn tạo về năng suất, chất lượng gạo và khả năng chống chịu bệnh bạc lá tốt hơn.

TBR225 “định vị” trên đồng đất Hà Nam - Ảnh 1.

Mô hình cánh đồng sử dụng giống lúa TBR225 tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: T.T

Còn đối với giống TBR225 có gen kháng bạc lá cũng được chọn tạo bằng phương pháp Backcross và chuyển gen kháng bạc lá (Xa7) vào giống lúa TBR225. Sử dụng phương pháp chọn giống có hỗ trợ của chỉ thị phân tử (MABC, MAS), chọn kiểu gen kháng bạc lá (Xa7) qua các thế hệ BC4F3.

 Kết quả rút ra được dòng TBR225 mang gen kháng bạc lá (Xa7) vẫn giữ nguyên được đặc tính tốt của giống lúa TBR225 là năng suất cao, chât lượng gạo ngon nhưng lại khả năng chống chịu bệnh bạc lá.

Theo nhận xét Sở NNPTNT Hà Nam, qua quá trình theo dõi mô hình, giống lúa Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá và TBR225 có gen kháng bạc lá đều cứng cây, bộ lá đứng, đẻ nhánh tập trung, độ đồng đều cao. Cả 2 giống lúa này đều trỗ thoát cổ bông, thời gian trỗ khoảng 5 ngày, đây cũng là yếu tố có thể giúp cây lúa tránh được diễn biến bất thuận của điều kiện thời tiết vào giai đoạn trỗ bông.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thắm (thị trấn Bình Mỹ) là một trong những hộ nông dân tham gia mô hình cho biết: Giống lúa TBR225 nhà tôi đã đưa vào sản xuất từ năm 2018 đến nay, đây là giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon nhưng có một nhược điểm là bị nhiễm bạc lá ở vụ mùa.

Vì vậy khi được biết giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá tôi đã đăng ký trồng thử nghiệm luôn. Qua theo dõi, mặc dù nhiều giống lúa bị nhiễm bạc lá nhưng giống lúa này đến nay chuẩn bị cho thu hoạch lá lúa vẫn xanh, không bị nhiễm, dự kiến năng suất đạt 2,35 tạ/sào - bà Thắm vui vẻ cho biết thêm.

TBR225 “định vị” trên đồng đất Hà Nam - Ảnh 2.

Giống lúa TBR225 phát triển tốt trên đồng đất Hà Nam.

Cần nhân rộng mô hình

Cũng tại báo cáo đánh giá kết quả mô hình, Sở NNPTNT Hà Nam đã hạch toán giá trị kinh tế của các giống lúa này. Theo đó, giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá với tổng chi phí là 1.095.000 đồng/sào, tổng thu 1.786.000 đồng/sào; giống Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá, tổng chi phí là 1.053.000 đồng/sào, tổng thu 1.827.000 đồng/sào. Trong khi đó giống lúa đối chứng Bắc thơm 7, chi phí là 1.075.000 đồng/sào, thu là 1.674.000 đồng/sào.

Như vậy với giá bán như hiện nay 9.000 đồng/kg đối với giống Bắc thơm 7 và TBR225 là 7.600 đồng/kg thì lãi thuần mà giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá cao hơn rất nhiều so với giống đối chứng.

Nhờ những đặc tính ưu việt nên tại hội nghị nhiều đại biểu tham quan mô hình đã đề nghị ThaiBinh Seed tiếp tục nhân rộng mô hình trình diễn các giống lúa này ở nhiều vùng hơn nữa để có thêm đánh giá về chất lượng cũng như sức chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết: Nhiều năm nay giống lúa Bắc thơm 7 là một trong những giống có tỷ lệ gieo cấy cao tại Hà Nam (chiếm 70 - 80% diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng trong toàn tỉnh). Tuy nhiên, giống lúa này ngày càng thoái hóa nhất là bị nhiễm bệnh bạc lá rất nặng.

"Việc ThaiBinh Seed đưa ra các giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá vào sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp cho việc hạn chế thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ được môi trường mà còn góp phần nâng cao hiệu suất lao động cho bà con nông dân" - ông Hùng nói.

Vì vậy, để tiếp tục đánh giá đặc tính cũng như năng suất, chất lượng gạo của 2 giống lúa TBR225 và Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá, ông Hùng đã đề nghị ThaiBinh Seed tiếp tục kết hợp với ngành nông nghiệp Hà Nam mở rộng triển khai thêm nhiều mô hình ở tất cả các huyện, thị trấn, thành phố trong toàn tình với quy mô lơn hơn để từ đó có cơ sở khuyến cáo nông dân địa phương mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao hiệu quả kính tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem