Tết cờ đỏ nơi bản làng Tây Bắc

Bùi Việt Phương Thứ ba, ngày 02/09/2014 08:33 AM (GMT+7)
Không có một âm sắc chung cho cả ba miền đất nước. Không hẹn mà nên cho tiếng gọi thân thương dưới từng mái hiên nhà người Việt, trải dài từ đỉnh Lũng Cú mờ sương đến đất Mũi dập dờn sóng vỗ. Suốt rộng dài đất nước, màu cờ đỏ vẫn nhuộm thắm từng dấu mốc thân yêu, tô điểm những mái nhà bình dị và thắp lên chất lửa hùng tráng trong một ngày thật đặc biệt. Ngày tết cờ đỏ của mỗi gia đình Việt Nam từ mùa Thu năm ấy.
Bình luận 0

Phải rời Hà Thành ngày đầu Thu chợt thấy bâng khuâng với những mái ngói cổ xô nghiêng sóng Hồ Tây trong sắc cờ rực đỏ. Xe ngược quốc lộ 6 lên miền Tây Bắc trong một chiều nắng hanh vàng ngọt lịm như cọn lúa nếp nương.

Dốc đèo không còn để dâng lên kì vĩ nhưng thung vẫn sâu để lộ những vạt sườn dốc xanh um và lặng lờ dòng suối vắng. Từng hòn đá nhẵn chơn như ngón tay người nhạc công ghi ta cổ điển vuốt từng dây nước bạc, tạo ra một bản đàn bất tận ngân nga giữa trời mây trước khi vọng về đường xuôi xa ngái.

img 

Giấc ngủ đêm sau hành trình mệt mỏi đã lấy mất của những người khách phương xa cái thú thưởng thức những âm thanh là lạ của đêm sơn cước. Nhưng, bù lại là sự khỏe khoắn, viên mãn của những tấm lưng trên sàn gỗ đinh nhẫn bóng nước thời gian. Bất giác, đâu đó có tiếng chân ngựa gõ móng đều đều như trong huyền tích.

Phải, tiếng phì rũ bờm đầy hứng khởi của tuấn mã chuẩn bị xuống núi. Còn rất mơ hồ ư? Giờ thì đến tiếng những em bé lao xao cười đùa vang lên ngoài con đường cái của bản. Người khách chợt ngó đầu ra cửa voóng (cửa sổ nhà sàn), cái đập vào mắt đầu tiên cũng là tất cả cảnh quan của một ngày thật khó quên, ngày Tết cờ đỏ.

Anh bạn trẻ lần đầu lên Tây Bắc chợt hào hứng: Từ chiều qua lên đây, tôi đã thấy cô gái thái cất bộ váy áo đẹp nhất phơi ngoài tảng đá. Đêm qua thấy có nhà giết gà, thổi sôi náo nức. Hóa ra là…câu nói của anh ngừng lại bởi chẳng cần giải thích nhiều ai cũng nhận ra những đoàn người từ các bản xa như Thôn Mòn, Mong Lay, Củ Cang…của đất Thuận ùa về con đường cái. Ô lịch trên chiếc đồng hồ đã vừa kịp sang ngày mồng 2, khắp những mái sàn bỗng rực lên một sắc nắng mới, sắc của những lá cờ đỏ sao vàng làm dậy lên sức nóng của nắng đầu Thu. Đang mải ngắm nhìn cảnh ấy, chợt giật mình bởi tiếng chủ nhà sau lưng chúng tôi:

- Ở đây mỗi năm có hai lần những mái sàn ánh sắc đỏ. Đầu năm là hoa đào, còn bây giờ là cờ Tổ quốc. Ở đây ngày Quốc khánh với chúng tôi vui như ngày Tết cổ truyền ấy.

Chắc hẳn, lời của bác chừng ấy thôi cũng đủ, bởi chỉ ít phút sau, qua cửa kính ô tô, nhìn thấu từng ngõ đồi, hẻm vắng, từng cung đường quang co ruột gà, đâu có mái nhà yên vui là ở đó rực sắc cờ.

Không hẹn mà nên, bà con xuống phố vui như tết. Bà con ngắm phố phường, người già ngắm những bộ cánh mời, trẻ em hớn hở với quà bánh, đồ chơi. Có lẽ những thứ ấy dần sẽ chẳng còn xa lạ gì với đồng bào nơi dẻo cao bởi những phiên chợ ngày càng phong phú. Nhưng, đi tết độc lập ngày Quốc khánh lại mang một ý nghĩa khác. Người già bảo: từ khi còn là cậu bé nhút nhát, một sáng thức giấc bởi sự nô nức nói cười của bà con trong bản. Rồi bố mẹ dắt tay, đường xa thì cõng lưng, được bế bồng để xuống núi trong ngày Quốc Khánh.

Tết có cả tháng trời, Tết độc lập chỉ một ngày nhưng vui lắm. Niềm vui khi ấy chẳng biết là gì nhưng thấy bà con người Thái, người H’Mong, Kinh, Dao, Tày…cũng hội ngộ. Ai cũng sắc sỡ áo mới, nhìn ai cũng vui nên cùng nhau nói cười vui lắm. Chiều về qua con suối nhỏ, thấy người thì nghỉ chân rửa mặt, người thì lỏng dây cương cho ngựa uống nước nguồn trong mát, thấy khuôn mặt ai soi suống mặt suối trong cũng toát lên vẻ mạn nguyện. Hỏi người già đi chơi ngày độc lập vui không? Người già móm mém vẫn cười bảo như đang trẻ lại. Như ngày nào chạy xuống bờ suối này thấy các chú bộ đội chống Pháp thắng trận Điện Biên trở về dạy thiếu nhi hát Qua miền Tây Bắc…

Ấn tượng của chúng tôi qua những cung đường Tây Bắc như lẫn vào câu chuyện của người già thuở nào mà không sao tách bạch nổi. Dường như, trên khắp đất nước mình nơi đâu cũng phấp phới sắc cờ Tổ quốc. Nhưng riêng với Tây Bắc, thời gian như ngừng trôi, dưới mỗi thung lũng, đèo cao như còn đọng lại khí thế hừng hực của một thời chống Pháp. Thời của những anh bộ đội, của những đoàn dân công hỏa tuyến thổi bừng lên sắc đỏ lá cờ Tổ quốc. Không khí ấy thực sự gợi một ngày Tết thiêng liêng nữa của dân tộc mình.

Ngày Tết ấy không chỉ là ngày chuyển giao của một năm mà là khi cha ông ta làm nên bằng máu xương anh dũng, mở ra trang sử mới của dân tộc, ngày tết được con cháu lưu truyền tới muôn đời. Ấy là ngày Tết cờ đỏ, ngày Tết vui của những người dân chất phác, kiên trung trên mảnh đất này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem