Tết hội nhập của người Brâu nơi ngã ba biên giới

Văn Hà Thứ năm, ngày 23/01/2020 08:00 AM (GMT+7)
Người Brâu là một trong hai dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Trước đây, người Brâu chỉ tổ chức ăn mừng hết năm vào cuối tháng 12 dương lịch, song những năm gần đây bà con đã dần hội nhập với người Kinh, ăn Tết cổ truyền như người Kinh.
Bình luận 0

Về thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vào những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy hai bên đường có nhiều hoa vạn thọ, hoa giấy, hoa cúc… đua nhau khoe sắc. 

Điều này được ông Thao Lợi - Trưởng thôn Đăk Mế giải thích: “Người Brâu xưa không có Tết cổ truyền như người Kinh hay các dân tộc khác, mà chỉ tổ chức ăn mừng hết năm vào những ngày cuối tháng 12 dương lịch. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, người Brâu dần hội nhập với người Kinh, cũng ăn Tết cổ truyền với bánh chưng, đón giao thừa, xông đất, các loại hoa…”.

                     img

Thưởng thức rượu cần trong lễ hội của người Brâu.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2009, dân tộc Brâu là một trong hai dân tộc ít người nhất của Việt Nam (dân số chỉ nhiều hơn dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An). Hiện nay người Brâu có 165 hộ, với 570 khẩu sống chung với một số đồng bào khác như Xê Đăng, Ba Na tại thôn Đăk Mế, nơi ngã biên giới (Việt Nam, Lào, Campuchia).

“Thời điểm này, người dân trong làng đã thu hoạch xong lúa, cà phê, mì nên đã có tiền để chuẩn bị cho một cái tết no đủ. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong làng đang chuẩn bị làm heo, gói bánh chưng, ủ rượu ghè… để chuẩn bị đón tết, tiếp đãi bà con, họ hàng”, ông Lợi nói.

Đến với nhà ông Thao La, chúng tôi cảm nhận được mùi thơm của những ché rượu cần bốc ra từ một góc nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thao La chia sẻ:  “Nhờ có nguồn thu từ cây cà phê, mì, lúa nên năm nay nhà mình đón Tết to hơn mọi năm. Giờ thì bắt đầu ủ thêm rượu ghè, làm thịt con lợn để gói bánh chưng và để dành thịt ăn trong dịp Tết”.

                      img

Vợ chồng ông Thao La đã chuẩn bị rượu ghè và cơm nếp đãi khách dịp Tết.

Cũng theo ông Thao La, mỗi dịp xuân về người Brâu ở đây đều mong ước sang năm mới được nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt hơn, đời sống tốt hơn. Họ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để những mùa xuân sau, có tiền chuẩn bị cho Tết mà không phải đi vay mượn.

Còn anh Thao Phước cho biết, vào những ngày cuối năm, phụ nữ trong làng sẽ rủ nhau đi hái lá dong, lá chuối về gói bánh tét, bánh chưng; đàn ông thì vào rừng kiếm củi, chặt tre chẻ lạt gói bánh, làm heo, làm gà… để chuẩn bị ăn Tết.

“Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, dân làng còn tổ chức đánh chiêng, múa xoang, mặc những trang phục váy áo truyền thống của dân tộc Brâu", anh Phước nói.

                     img

Vào những ngày cuối năm, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của người Brâu sẽ được tổ chức tại nhà rông của làng.

Theo nữ già làng Y Pan (90 tuổi), ngày trước người dân tộc Brâu đón xuân vào tháng 12 dương lịch để ăn mừng hết năm. Nhưng từ ngày tiếp cận với người Kinh tại vùng biên giới này, người Brâu dần dần chuyển sang ăn Tết vào mùng 1 tháng Giêng âm lịch giống người Kinh. Cũng có bánh chưng, bánh tét, mổ heo gà, xông đất đầu năm…

“Bà thấy mùa xuân hôm nay đã ấm no hơn so với ngày trước nhiều rồi. Trước đây bà con chỉ biết dựa vào cây lúa rẫy, cây bắp và săn bắt, hái lượm, bây giờ đã biết trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi... Xe cộ, truyền hình, điện thoại trong làng thì nhiều lắm rồi”, già làng Y Pan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem