Tết Kỷ Hợi 2019: Say rượu lái xe ngày Tết có bị xử phạt nặng hơn?

Đình Việt Thứ tư, ngày 30/01/2019 19:19 PM (GMT+7)
Luật sư khẳng định, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và những ngày khác trong năm nếu say rượu mà vẫn cố tình lái xe đều sẽ nhận hình thức xử phạt khá nặng.
Bình luận 0

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, lái xe sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ngày Tết và các ngày thường trong năm.

Theo vị luật sư này, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là nhằm loại trừ nguy hiểm cho chính người uống rượu, bia cũng như những người tham gia giao thông khác.

img

Trong dịp Tết nếu say rượu mà cố tình lái xe sẽ bị xử phạt khá nặng. Ảnh: Zing.vn

Để đảm bảo cho quy định này được thực hiện nghiêm chỉnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1.8.2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:

- Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

Phạt tiền từ 2 tới 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 7 tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy từng trường hợp.

- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

Phạt tiền từ 1 tới 2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 3 tới 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 5 tháng tùy từng trường hợp.

“Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là dịp mọi người cùng đoàn tụ, vui vẻ cùng gia đình, bạn bè và người thân, chính vì thế mọi người nên tự giác bảo vệ chính mình và người xung quanh. Đã uống rượu thì không nên lái xe”, luật sư Tuấn Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem