Tết ở ngôi làng cổ nhất Hà Nội có gì đặc biệt?

Hậu Thạch Thứ tư, ngày 18/02/2015 11:00 AM (GMT+7)
Làng cổ Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội từ lâu đã được biết đến như cái nôi sản sinh các bậc tài danh khoa bảng cho mảnh đất Thăng Long kinh kỳ. Tết Ất Mùi đang đến mang theo không khí mùa xuân lan tỏa trên khắp những ngôi nhà cổ, những vườn đào, vườn quất... của ngôi làng trù phú ven sông Hồng.
Bình luận 0
img

Làng Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ (hay Kẻ Vẽ). Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội, còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học là người làng. Không những vậy làng Vẽ còn nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem ("giò Chèm, nem Vẽ"). Ảnh: Cổng vào làng Vẽ.

img

Nằm ngay bên bờ sông Hồng, xưa được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ nên Kẻ Vẽ cũng nức tiếng với nghề trồng đào, quất phục vụ Tết chẳng thua gì làng đào Nhật Tân. Những ngày giáp Tết, thương lái từ khắp nơi thường đổ về đây để chọn những gốc đào, cây quất ưng ý nhất

img

Nổi tiếng là làng khoa bảng nên người Kẻ Vẽ không chỉ có cuộc sống khấm khá mà còn sở hữu những ngôi nhà cổ bề thế có niên đại hàng trăm năm. Trong số gần 100 ngôi nhà cổ Đông Ngạc còn lưu giữ được thì nhà thờ họ Đỗ được xem là có niên đại lâu đời nhất cũng như có giá trị lớn về mặt kiến trúc và và văn hóa. Ảnh: Nhà thờ họ Đỗ.

img

Ngôi nhà có niên đại từ thế kỉ 18, được dựng từ thời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 1760. Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa... Trước nhà tiền tế có các bức "Thiết thạch tinh trung" (trung thành như sắt đá), "Thượng đẳng phúc thần" (phong thần), bên trái là bức "Vạn phúc du đồng", bên phải là "Ngũ phúc lâm môn". Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất.

img

Ông Đỗ Quốc Hiến hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Đỗ làng Đông Ngạc cho biết: Trước đây gia đình ông vẫn coi đây là nơi thờ tự đại vương Đỗ Thế Giai, bậc công thần triều Lê Cảnh Hưng, người có công danh hiển hách nhất dòng họ Đỗ (ngài được phong đến Thượng đẳng phúc thần vào năm 1868 đời vua Tự Đức). Nhưng kể từ 1956, vì những lý do đặc biệt nên gia đình chuyển hẳn vào không gian nhà thờ để sinh hoạt. Cho đến nay gia đình ông vẫn giữ được truyền thống ngày Tết các cụ để lại như: gói bánh chưng, đụng lợn, tổ chức ngày Xuân tế, phát lộc đầu xuân cho con cháu... Ảnh: Ông Đỗ Quốc Hiến giới thiệu về bức văn bia ghi lại công trạng, tài đức của Đỗ Đại Vương.
 
img

Khu vườn sum suê trước nhà có rất nhiều loại thực vật mang đậm văn hóa Việt như trầu, cau, bưởi, nhãn... nhưng ông Hiến quý nhất là cây đào thắm có tuổi đời hơn ba mươi năm. Cứ mỗi khi hoa đào nở là không khí mùa xuân lại ngập tràn trong ngôi nhà cổ , đem lại cho ông và các thành viên trong gia đình những cảm xúc đầm ấm, tươi vui.

img

Đình Đông Ngạc là một ngôi đình có quy mô to lớn, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ thế kỷ 17. Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, sát với đê sông Hồng.

Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho cả Thiên - Địa - Nhân. Hàng năm vào mỗi dịp đầu xuân (mùng 10 tháng 2 âm lịch) đình thường tổ chức lễ hội rước nước dâng thánh rất độc đáo. Ngoài ra trong đình còn có nhà Văn chỉ để tưởng nhớ những bậc tài cao học rộng đã làm rạng danh Kẻ Vẽ như: Phan Phu Tiên, Hoàng Tế Mĩ, Nguyễn Hữu Tạo, Phạm Quang Trạch... Mỗi dịp Tết các con cháu trong làng thường đến xin lộc các vị để học hành tấn tới, xuất sắc hơn. Ảnh: Đình Đông Ngạc trang hoàng đào quất, cờ hoa để đón Xuân.

img
Người Đông Ngạc xưa có câu: "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ" để bày tỏ niềm tự hào có nhiều người thành đạt, làm quan to. Bởi vậy nên các bậc chức tước, công danh hiển hách của làng đã góp công, góp của để xây nên một ngôi chùa bề thế vào thời bấy giờ đó chính là Tư Khánh tự hay còn gọi là Chùa Vẽ. Đây là địa điểm sinh hoạt tâm linh bao đời của người dân Kẻ Vẽ, cũng là nơi đễ họ đến lễ Phật cầu may vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Chùa Vẽ những ngày giáp Tết.

img

Chợ Vẽ nằm ngay sát Tư Khánh tự cũng là nơi mua bán sầm uất nhất của người dân Đông Ngạc. Những này cuối năm chợ cũng ồn ào, náo nhiệt chẳng kém bất cứ nơi mua bán nào ở  Hà Nội.

img

"Giò Chèm, Nem Vẽ" luôn là món ăn tự hào của người dân Đông Ngạc. Những ngày Tết trong mỗi gia đình Kẻ Vẽ không thể thiếu món đặc sản truyền thống của quê hương. Món ăn này cũng rất thú vị để đãi khách lai rai ngày Xuân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem