Thoáng thấy bóng hoa đào trên đường phố, lòng tôi lại xốn xang hai chữ “dưa hành”. Còn non tháng nữa là đến Tết, không biết mẹ vợ đã làm cái món khoái khẩu ấy cho mình chưa? Nghĩ đến cái vị giòn giòn, chua chua của nó mà thèm.
Ngày bé, tôi mong Tết chủ yếu để được ăn. Thời ấy còn nghèo, bánh chưng, thịt gà, giò lụa, mứt kẹo các loại... chỉ ngày Tết mới có chứ ngày thường kiếm đâu ra. Lớn lên, khi cuộc sống đã đổi khác, sung túc, đủ đầy, cũng là lúc tôi nhận ra mình bắt đầu nhạt dần với Tết.
Hình như không chỉ có tôi mà cả những người xung quanh cũng thờ ơ dần với Tết, thậm chí nhiều người sợ Tết, ghét, coi Tết như một cái nợ hoặc chỉ đơn giản là một dịp để đi du lịch, để ngủ ngày và để trốn.
Nhưng rồi vào một ngày may mắn, tôi đã phát hiện ra điều tuyệt vời của Tết, trong nhà của bạn gái tôi, ấy là một món ăn vừa lạ vừa quen, vừa đánh tan cảm giác chán ngán của nào thịt, nào mỡ, nào bánh, nào kẹo đang ngổn ngang ngồn ngộn trong cái dạ dày nhỏ bé mỏi mệt của ta, vừa khiến ta ăn ngon trở lại. Món ăn ấy hóa ra vẫn được gọi bằng một cái tên giản dị là dưa hành.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu ngày Tết, bánh chưng xanh.
Có tên trong câu đối Tết hẳn món ăn này đã có từ lâu đời nhưng không hiểu sao mãi đến năm 23 tuổi, tôi mới được ăn dưa hành lần đầu tiên trong đời để biết rằng trên đời có một thứ ngon đến thế, ngon ngay cả khi người ta đã chán ớn tất cả những món mà họ cho là ngon.
Việc đầu tiên sau khi từ nhà bạn gái trở về là tôi hí hửng bảo mẹ làm dưa hành. Nhưng câu trả lời của bà khiến tôi hoàn toàn thất vọng “Chưa đủ mệt hay sao mà còn muốn dưa hành với chả dưa tỏi? Thích ăn thì ra chợ mà mua”
Tôi cũng không nhớ từ khi nào, mọi người bắt đầu có thói quen mua tất cả những thứ được làm sẵn. Tủ hành, củ tỏi đến mớ rau, quả bí đều được bóc gọt sạch sẽ ngay từ ở chợ. Từ con cua, con cá đến con gà, con vịt cũng được đánh vẩy, vặt lông, mổ bụng, sắt khúc đâu ra đấy trước khi mang về nhà. Từ nắm lá thơm để tẩy trần dịp cuối năm đến đồng bánh chưng, chai rượu nếp bày trên bàn thờ các cụ cũng được đưa đến tận nhà...
Người ta chẳng còn phải lo tích cóp dành dụm từng nắm đỗ xanh, từng bơ gạo nếp từ trong năm để dùng khi Tết đến xuân về, chẳng còn phải tất bật làng trên xóm dưới gói bánh, đồ xôi hay chạy ngược chạy xuôi xin nhà nọ nải chuối, nhà kia quả bưởi bày lên mâm ngũ quả. Người ta vẫn tất bật, vẫn ngược xuôi nhưng là lo quà to quà nhỏ để chạy hết nhà sếp này đến sếp kia. Còn cái Tết đã có tiền lo. Thế cho nên, người ta còn thời gian đâu mà tỉ mẩn tự tay làm lấy một lọ dưa hành dù biết Tết sẽ vui hơn nhiều lắm.
Tôi dỗi mẹ, đêm nằm chỉ chăm chăm nghĩ ra một lý do nào đấy để lại được ăn cơm nhà bạn gái. Bình thường tôi vốn là thằng nhút nhát cho nên đến tận bây giờ tôi vẫn không tin rằng cả cái Tết năm ấy mình đã kiên trì ăn chực nhà bạn gái cho đến khi hết vại dưa hành mới thôi. Đó cũng là lúc mối quan hệ của chúng tôi được “nâng cấp” từ bạn bè trở thành người yêu. Đến vại dưa hành thứ hai thì tôi đã không đủ tỉnh táo để từ chối một lời đề nghị hấp dẫn từ mẹ nàng “Ai mà làm con rể của ta thì người đó sẽ được ăn dưa hành cả đời” và quyết định cưới nàng làm vợ.
Nhưng khổ thân tôi, lấy vợ vì dưa hành, cuối cùng vợ lại không biết muối dưa hành, khi thì nẫu, khi thì khú, khi thì cay lè lưỡi không nuốt nổi. Mới đầu tôi cứ trách vợ, sau mới biết cái món này nhìn đơn giản vậy mà không phải ai cũng muối ngon được.
Để làm được một vại dưa làm nao lòng chàng rể mỗi khi Tết về, mẹ vợ phải cất công tìm chọn cho được loại hành hương hảo hạng, trăm củ như một, chắc nịch, sáng bóng trước đó cả tháng trời. Hành đêm về ngâm nước gạo 1 ngày 1 đêm, khi ngâm cho thêm chút muối để hành chắc củ, bớt hăng. Tiếp tục ngâm trong nước lã pha muối loãng thêm 1 ngày 1 đêm nữa để hành trắng, giòn. Sau đó, đem hành bóc vỏ, bỏ rễ, để lộ phần vỏ trắng nõn, căng bóng, nổi rõ những đường vân uốn lượn.
Rửa lại bằng nước muối loãng, để ráo nước rồi cho vào vại sành, cứ một lớp hành củ lại rắc lên trên một lớp muối hạt. Để như vậy khoảng 1 tuần sau, gạn bỏ nước muối mặn đó đi, đem hành ra rửa sơ, cho lại vào vại cùng với một lớp mía lót dưới đáy và nước muối mới loãng hơn, nén chặt, đậy nắp cẩn thận chờ ngày Tết đến.
Chả cần biết trời đất thế nào, mưa nắng ra sao, cứ sáng mùng một Tết, vợ chồng con cái nhà tôi lại bồng bế nhau về xông đất nhà ông bà ngoại. Mỗi khi nhìn bố vợ tay run run, trịnh trọng dâng lên bàn thờ tổ tiên cơm canh cùng bát dưa hành nho nhỏ, chắp tay lầm rầm khấn vái, tôi lại rưng rưng cảm xúc ngày đầu năm.
Tất cả đều như ngưng đọng lại trong giây phút thiêng liêng này, cái giây phút mà đất trời như giao hòa cùng vạn vật, âm dương liên hệ với nhau, mọi ồn ào, xáo động đều biến mất trong một thế giới tâm linh tĩnh lặng, an hòa, lòng người lắng đọng. Bên mâm cơm ngày Tết, mọi người nâng chén rượu mừng xuân, được mẹ vợ gắp cho miếng dưa hành trắng nuột trắng nà bỏ vào bắt, lòng tôi sung sướng như vừa đón nhận cả mùa xuân.
Không hiểu vì sao tôi luôn có tâm trạng hồi hộp chờ đợi cảm giác khi răng mình ngập sâu vào một thứ gì đó giòn thơm, căng mọng, một thứ nước chua dịu bắn tung tóe trong miệng, va đập vào từng tế bào lưỡi làm dậy lên một cơn sóng cảm giác ngon, ngon và ngon. Miếng dưa hành đầu tiên của mẹ vợ gắp cho tôi trong ngày mùng một Tết luôn tuyệt vời như thế.
Theo Sức khỏe
Vui lòng nhập nội dung bình luận.