“Tha bổng” Sơn Tùng - đã công bằng chưa?

Lê Tâm Thứ tư, ngày 03/12/2014 09:00 AM (GMT+7)
Suốt mấy tuần nay, câu chuyện ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP giống một cách kỳ lạ với ca khúc “Because I miss you” của Hàn Quốc đã cuốn dư luận vào một vòng xoáy rắc rối. 
Bình luận 0

Sau khi có kết luận của Hội đồng thẩm định do Cục Bản quyền tác giả yêu cầu lập ra, rằng ca khúc này đã đạo phần hòa âm (beat) của một ca khúc Hàn Quốc, thì cuối cùng một lá thư đến từ xứ sở kim chi đã lật ngược tình thế này.

Nội dung bức thư điện tử do đại diện FNC Entertainment (Công ty Quản lý nghệ sĩ có trụ sở tại Hàn Quốc) gửi sang phía Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tuy có sự tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu... nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề “ăn cắp” bản quyền đối với bản thu âm này”. Lập tức, các diễn đàn âm nhạc đã dậy sóng để bênh vực Sơn Tùng M-PT và “ném đá” các nhạc sĩ là thành viên Hội đồng thẩm định. Đây là một điều bất công với các nhạc sĩ bởi dường như những người “ném đá” đã lờ đi phần chìm của câu chuyện mà chỉ bám vào phần nổi của kết luận. Nếu có chút ít kiến thức chuyên môn về âm nhạc, chúng ta sẽ không thể chấp nhận được chuyện có 2 ca khúc tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu như “Chắc ai đó sẽ về” và “Because I miss you”, trừ phi đó là các ca khúc của cùng một tác giả. Việc Sơn Tùng M-TP “mượn” beat của các ca khúc nước ngoài để sáng tác ca khúc của mình không phải mới xảy ra lần đầu và chính ca sĩ này đã thừa nhận điều đó. Vậy thì trong trường hợp này, phía Hàn Quốc đã kết luận: “Có sự tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu”, điều đó cho thấy Sơn Tùng M-TP không hề bị oan, chỉ có điều, người Hàn đã tỏ ra rộng lượng để nói rằng “không xem đây là vấn đề “ăn cắp” bản quyền” mà thôi.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo đã phát biểu rất thẳng thắn: “Việc mượn beat để ứng tác tác phẩm là đạo nhạc. Cách làm này tạo ra những sáng tác giả dối, từ đó nền âm nhạc sẽ tràn ngập các tác phẩm phái sinh hàng nhái, triệt tiêu lao động sáng tạo và môi trường đào tạo âm nhạc”. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nếu nương tay với tác giả Sơn Tùng, thừa nhận việc “ảnh hưởng”, “học tập” đến mức giống nhau đến 80% nghĩa là dung túng cho việc copy, sao chép nhạc nước ngoài, biến của người thành của mình”.

Quyết định “tha bổng” cho ca khúc của Sơn Tùng M-TP có thể cứu cho một bộ phim được đầu tư nhiều tỷ đồng khỏi một bàn thua trông thấy khi những thiệt hại về kinh tế sẽ đến do nhà sản xuất buộc phải làm lại toàn bộ nhạc phim. Thế nhưng, liệu nó có công bằng không với các nhạc sĩ chân chính sáng tạo bằng thực lực, cũng như quyết định này sẽ có ảnh hưởng xấu thế nào đến đời sống âm nhạc đang rất nhộn nhạo hiện nay, đó là điều cần làm rõ.

Vì vậy, cho dù người ngoài đã “tha bổng” nhưng các cơ quan quản lý văn hóa cần có những quyết định thật nghiêm, như có ý kiến đề xuất: Nếu không gỡ bỏ ca khúc này ra khỏi phim thì yêu cầu nhà sản xuất và tác giả phải ghi rõ: “Ca khúc sáng tác dựa trên cảm hứng âm nhạc từ một tác phẩm của nước ngoài”. Đó mới là hồi kết công bằng và sòng phẳng cho câu chuyện này.

Được biết, Bộ VHTTDL đã lập ra một Hội đồng khác để thẩm định, đánh giá lại ca khúc này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối tuần này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem