Đường tồn kho tăng 186.000 tấnTheo Cục Chế biến, Thương mại Nông
lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT), tổng kết toàn vụ mía đường năm nay, các
nhà máy đã ép được gần 16,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,52 triệu tấn đường.
So với cùng kỳ năm trước, lượng đường sản xuất tăng 213.360 tấn. Từ đó, kéo
theo lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến cuối tháng 7 là 425.730 tấn, cao hơn
cùng kỳ năm trước 186.000 tấn. Do tồn kho lớn, nên giá đường bán ra cũng giảm.
Cụ thể, giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước
từ 14.000 - 14.900 đ/kg (trong khi cùng thời điểm năm trước là 16.200 đến
16.500 đồng/kg).
Dự báo niên vụ mía đường 2013 – 2014, sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục
Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối lo ngại rằng, trong 3 tháng
8, 9, 10 tới đây, nếu tổng lượng đường các nhà máy bán ra là 190.000 tấn, cộng
với lượng đường nhập khẩu là 40.000 tấn, thì tổng lượng đường tiêu thụ là
230.000 tấn.
Như vậy, nếu mức tiêu thụ vẫn giữ như năm trước, lượng đường có hiện
nay dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 200.000 tấn (chưa kể lượng đường tối thiểu
sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO). Đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường
trước khi vào vụ mới.
Theo ông Đỗ Thành Liêm – Phó Chủ tịch
Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay ngành đường đang gặp nhiều khó khăn và
thách thức. “Cùng với tình hình như trên, áp lực cạnh tranh của đường nhập lậu
và gian lận thương mại tiếp tục gây khó khăn nghiêm trọng cho việc tiêu thụ đường
sản xuất trong nước, làm tồn kho luôn ở mức cao, giá giảm và rất khó được cải
thiện”- ông Liêm nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Liêm, vấn đề cơ giới hóa thu
hoạch mía chậm được nghiên cứu áp dụng, đặc biệt là ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục gây
khó cho nông dân trồng mía và sức sản xuất, khả năng cạnh tranh của ngành đường
Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Sớm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường
Theo nhận định của nhiều chuyên gia,
điểm lo ngại lớn nhất của ngành mía đường niên vụ 2013 – 2014 vẫn là mất cân đối
cung-cầu đường và thu nhập của nông dân. Dự báo, sản lượng đường sản xuất trong
nước vụ ép tới sẽ vẫn đạt trên 1,5 triệu tấn đường các loại.
Sản lượng đường thế giới và trong nước
niên vụ 2012 – 2013 đều đạt kỷ lục. Theo báo cáo của Tổ chức Đường thế giới, sản
lượng đường thế giới tháng 5.2013 trên 187 triệu tấn, vượt 7,5 triệu tấn so với
vụ trước và thừa cung 10 triệu tấn.
(Nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam)
|
Như vậy, với mức tồn
kho cao như hiện nay, nguồn cung sẽ lớn hơn cùng kỳ vụ trước, cộng với đường nhập
lậu và gian lận thương mại chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nguy cơ nguồn cung
sẽ còn lớn hơn nhiều so với niên vụ 2012 – 2013, chưa kể các nhà máy đường miền
Nam đầu tư tại Lào và Campuchia có thể tham gia vào nguồn cung trong nước.
Về giải pháp thực hiện trong thời
gian tới, lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị ngành mía đường cần áp dụng đồng bộ các giải
pháp để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; tổ chức tốt công tác
thu hoạch và thu mua, giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao hiệu quả chế biến,
hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; đa dạng hóa sản phẩm, tổ
chức sản xuất các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường để tăng hiệu quả sản xuất;
phối hợp, tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm, chống buôn lậu đường; rà soát, bổ
sung các chính sách để phát triển sản xuất mía đường bền vững…
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp
hội Mía đường Việt Nam kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành, liên quan sớm có
cơ chế về xuất nhập khẩu linh hoạt; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu đường
và gian lận thương mại, trong đó có việc bổ sung quy định của Bộ Tài chính
trong việc lập hóa đơn, kiểm tra hóa đơn… để tránh tình trạng quay vòng hóa đơn,
việc các đối tượng buôn lậu thành lập các công ty ở nhiều nơi để thực hiện mua
bán lòng vòng nhằm hợp thức hóa đường lậu…
Đức Khánh (Đức Khánh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.