Thái Nguyên: HTX sản xuất miến, tạo việc làm cho 60 lao động
60 lao động nông thôn có việc làm quanh năm nhờ làm miến dong cho Hợp tác xã này ở Thái Nguyên
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 06:36 AM (GMT+7)
Nhờ nghề làm miến, gia đình ông Đặng Quang Tân (xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ông Đặng Quang Tân - Giám đốc HTX Dịch vụ miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. (Clip: Hà Thanh)
Ông Đặng Quang Tân, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất miến Việt Cường cho biết, dù gia đình ông có truyền thống làm miến nhưng trước đây ông chủ yếu làm ruộng và trồng cây ăn quả.
Tư duy làm ăn lớn từ nghề miền truyền thống
Đến năm 2016, ông mới quyết định thành lập HTX dịch vụ sản xuất miến Việt Cường để phát triển quy mô sản xuất miến lớn hơn.
Ban đầu khi mới thành lập, HTX có tất cả 10 thành viên tham gia, đến nay đã phát triển lên số lượng 12 thành viên.
Những ngày đầu thành lập HTX, trung bình mỗi ngày gia đình ông Tân chỉ sản xuất được khoảng 3 tạ miến/ngày. Đến nay, nhờ đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại nên mỗi ngày gia đình ông sản xuất được khoảng 5 tạ miến.
Hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất miến của gia đình ông Tân rộng khoảng 5.000m2, trong đó, riêng diện tích nhà xưởng khoảng 600m2 còn lại là diện tích lắp đặt hệ thống giàn phơi.
Với quy mô sản xuất như hiện nay, mỗi năm gia đình ông Tân sản xuất khoảng 90 tấn miến thành phẩm. Nếu tính sản lượng của cả HTX thì trung bình mỗi năm sản xuất được khoảng trên 1.000 tấn.
Hiện HTX có 2 sản phẩm chính là miến dong và miến tỏi đen, trong đó miến dong chiếm khoảng 90% sản lượng miến làm ra.
Các sản phẩm của HTX được xuất bán đi khắp các tỉnh thành trong cả nước với giá bán trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg miến dong và 150.000 – 200.000 đồng/kg miến tỏi đen.
Theo ông Tân, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng gặp khó khăn vì hiện nay nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương vẫn chưa đáp ứng đủ.
Tạo việc làm cho nông dân
Do đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, HTX phải nhập nguyên liệu từ một số tỉnh khác như: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La…
Tuy nhiên, do dong riềng được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, nên để đảm bảo sản xuất, HTX phải mua bột về sấy rồi đóng bao dự trữ. Trong khi đó, giá bột dong riềng tương đối cao, điển hình vào cuối năm 2021, giá bột dong riềng dao động từ khoảng 27.000 – 30.000 đồng/kg.
Ông Tân chia sẻ, chỉ tính riêng gia đình ông, trung bình mỗi năm cũng đã sản xuất hết khoảng trên 100 tấn bột dong riềng khô, do đó nguồn tiền để mua bột dự trữ vào dịp cuối năm rất lớn.
Ngoài ra, một khó khăn nữa đối với HTX là khâu đầu ra của sản phẩm.
"Hiện nay, mặc dù sản phẩm của HTX đã tiếp cận được với một số hệ thống siêu thị, tuy nhiên các siêu thị này chỉ thanh toán tiền khi họ bán được sản phẩm, do đó nguồn vốn đọng lại tương đối lớn. Còn nếu bán trên thị trường tự do thì nguồn vốn quay vòng nhanh nhưng giá lại rẻ," ông Tân cho hay.
Với quy mô sản xuất như hiện nay, HTX đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Tân, việc làm miến phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Nếu thời tiết nắng ráo thì việc sản xuất miến sẽ thuận lợi, còn thời tiết mưa dầm thì chi phí để sản xuất miến sẽ rất cao, thậm chí mất trắng.
Do vậy, để sản xuất miến đạt hiệu quả cao, ngoài việc đầu tư, thay đổi công nghệ máy móc hiện đại thì người làm miến còn phải theo dõi tình hình thời tiết hàng ngày thậm chí là hàng giờ.
Ông Tân cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, ước tính năm 2022 gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng từ sản xuất miến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.