Thái Nguyên: Tái cơ cấu nông nghiệp ở Phú Lương gắn với phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo bền vững

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 13/02/2023 13:22 PM (GMT+7)
Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đang triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể, giảm nghèo bền vững
Bình luận 0

Tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đề ra

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Lương, năm 2023, huyện đặt mục tiêu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xóm được công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng đó, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; phấn đấu có ít nhất 4 sản phẩm địa phương được công nhận OCOP 3 sao trở lên.

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Sản phẩm gạo nếp Vải Ôn Lương, Phú Lương được chứng nhân OCOP 3 sao (Ảnh: Hà Thanh)

Để làm được việc này, cơ quan chức năng huyện Phú Lương đã xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Yên Trạch.

Trong đó, chú trọng xây dựng các công trình như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, giữ vững các tiêu chí đã đạt trong chương trình xây dựng NTM.

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực được huyện Phú Lương quan tâm đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Hà Thanh.

Đồng thời huyện sẽ huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo..., giữ vững tiêu chí quốc phòng và an ninh; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP; tổ chức thực hiện đề án NTM cấp xã giai đoạn 2022 – 2025; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó sẽ phối hợp với đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động, tích cực đóng góp công sức, tài sản xây dựng nông thôn mới; tiếp tục rà soát và thực hiện các nội dung tiêu chí xóm NTM kiểu mẫu đã đăng ký năm 2022.

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Hà Thanh.

Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn

Năm 2022, UBND huyện Phú Lương đã ban hành đề án xây dựng NTM giai đoạn 2022 – 2025 với nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phong trào ngày một phát triển.

Trong đó, triển khai thực hiện Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong năm đầu tiên thực hiện, huyện đã tổ chức 138 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật thu hút khoảng gần 5.520 lượt người dân tham dự, triển khai nhiều mô hình trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện có 66 hợp tác xã (HTX), trong đó có 59 HTX nông nghiệp, một số HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, có 40 tổ hợp tác sản xuất, chủ yếu là các tổ hợp tác sản xuất chè.

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo bền vững - Ảnh 4.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Phú Lương. Ảnh: Hà Thanh.

Đáng chú ý, chương trình mỗi xã một sản phẩm được địa phương đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Phú Lương đã triển khai chu trình OCOP, qua đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện việc tuyên truyền về chương trình OCOP tới toàn thể nhân dân; thúc đẩy, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiềm năng, đồng thời tiếp nhận đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2022.

UBND huyện Phú Lương cũng đã thực hiện khảo sát thực tế, đăng ký với Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên 5 sản phẩm của 4 chủ thể. 

Thực hiện khảo sát, đăng ký hỗ trợ biển hiệu 20 điểm cấp xã, 1 điểm cấp huyện để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Theo đó, năm 2022 huyện có thêm 5 sản phẩm được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao).

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và giảm nghèo bền vững - Ảnh 5.

Nhiều hộ dân đã chuyển dịch cơ cấu vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh.

Đối với công tác giảm nghèo, đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng được huyện Phú Lương chú trọng. Do đó, trong năm 2022, tổng số hộ thoát nghèo trên địa bàn toàn huyện Phú Lương là 459 hộ, giảm 1,56% so với năm 2021. Toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo đa chiều, chiếm 3,83%.

Công tác nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; công tác khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư. Cụ thể, đến hết năm 2022: 13/13 xã duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 95,60%; tỷ lệ cơ quan đạt danh hiệu văn hóa là 95,13%; tỷ lệ làng bản đạt danh hiệu văn hóa là 99,53%.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; quá trình chuyển đổi số trong NTM, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh...

Phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2024

Báo cáo của UBND huyện Phú Lương về những thành tựu đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy: Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng; sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh theo hướng tăng năng suất, chất lượng.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm. Đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện Phú Lượng có 12/13 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểm mẫu.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Phú Lương đề ra nhiều mục tiêu: 13/13 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 34 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem