Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 14/01/2024 13:41 PM (GMT+7)
Táo Đồng Liên (xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) năm nay được mùa, được giá nên bà con ai cũng phấn khởi, rộn ràng, khắp vườn rộn rã âm thanh trò chuyện, tiếng cười nói của những người nông dân đang bước vào vụ thu hoạch.
Bình luận 0

Người dân xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phấn khởi thu hoạch táo. Thực hiện: Thanh Hà.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây chính là thời điểm mà nhiều bà con ở xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên bước vào vụ thu hoạch táo xuân. Mặc dù những ngày này thời tiết không mấy thuận lợi, mưa kéo dài nhiều ngày nhưng niềm vui, sự phấn khởi vẫn hiện rõ trên khuôn mặt những người nông dân nơi đây, bởi năm nay lần đầu tiên táo của bà con trong vùng vừa được mùa vừa được giá.

Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn - Ảnh 1.

Táo Đồng Liên (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vào vụ thu hoạch, cây nào cây nấy đều sai trĩu quả. Ảnh: Hà Thanh

Thăm vườn táo của gia đình bà Đặng Thị Hiên, xóm Toàn Thắng 1, PV Dân Việt như bị hút tầm mắt vào những cây táo sai trĩu quả, cây nào cây nấy quả chi chít, to tròn, căng bóng, lá xanh mướt mát.

Là người đã có thâm niên trồng táo hơn 20 năm nay, bà Hiên nắm tương đối chắc về quy trình trồng và chăm sóc táo để đạt năng suất và chất lượng như mong muốn. Theo bà, trước đây bà con trong vùng chủ yếu trồng táo theo phương thức truyền thống với việc sử dụng phân vô cơ để bón cho cây, dùng thuốc hoá học để phun nên chất lượng quả không đảm bảo. Nhưng từ khi Tổ hợp tác trồng cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên được thành lập đã mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây.

Nhờ được tập huấn về khoa học kỹ thuật, bà con đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển hoàn toàn từ phân bón vô cơ sang hữu cơ, thay thế thuốc trừ sâu hoá học bằng thuốc trừ sâu sinh học, từ đó sản lượng và chất lượng táo trong vùng được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, với việc trồng và chăm sóc táo theo quy trình VietGAP giúp giảm thiểu đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường và hạn chế việc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người sản xuất.

Hiện nay, nhà bà Hiên đang duy trì số lượng 400 cây táo các loại trong đó có "táo xuân 21", "táo Đài Loan" và "táo Thái Lan". Đây là những giống táo cho chất lượng quả ngon ngọt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn - Ảnh 2.

Nhờ chăm sóc theo quy trình VietGAP nên sản lượng và chất lượng quả táo của bà con ở xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên được nâng cao hơn hẳn. Ảnh: Hà Thanh

Trung bình mỗi năm, vườn táo của gia đình bà Hiên đạt sản lượng khoảng hơn 10 tấn quả. Ước tính năm nay sản lượng sẽ đạt khoảng 15 tấn quả, với bán sỉ với giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg và bán lẻ với giá khoảng 50.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình bà Hiên có thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng.

Nhờ trồng táo, nhiều hộ gia đình ở xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên đã có thu nhập cao hơn hẳn gấp vài chục lần so với trồng ngô, trồng lúa như trước đây. Táo ở đây bán ra thị trường được nhiều khách hàng ưa chuộng vì chất lượng thơm, ngon.

Gia đình chị Vũ Thị Hương cũng là một trong những hộ trồng táo lâu năm tại xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên. Ban đầu, gia đình chị chỉ trồng khoảng 2 sào, sau khi thấy hiệu quả kinh tế mang lại, gia đình chị đã phát triển thêm quy mô diện tích, đến nay đã lên tới trên một mẫu.

Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn - Ảnh 3.

Chị Vũ Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên phấn khởi khi táo của bà con trong xóm năm nay được mùa lại được giá. Ảnh: Hà Thanh

Chị Hương chia sẻ, cây táo tương đối khó chăm sóc vì rất dễ bị sâu bệnh, chủ yếu là sâu đục quả. Bởi vậy cần sát sao, tỉ mỉ trong từng công đoạn chăm sóc mới có thể đạt được hiệu quả cao. Để chất lượng quả táo đạt yêu cầu cần thực hiện đúng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt từ việc bón phân, phun thuốc, đến chặt cành, tỉa quả và thu hoạch. Việc sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây sẽ giúp cây chắc khoẻ và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng quả táo.

Chị Hương hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Toàn Thắng 1, đồng thời là thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên. Chị Hương cho biết, từ khi tham gia Tổ hợp tác, bà con trong vùng được tập huấn về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất nên có rất nhiều thuận lợi trong việc trồng táo. "Năm nay bên cạnh việc bán hàng truyền thống, gia đình tôi còn thường xuyên livestream trên mạng xã hội để bán rất hiệu quả", chị Hương cho biết thêm.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mão, xóm Toàn Thắng 1, trước đây cũng trồng táo với diện tích lớn, nhưng vài năm trở lại đây do không có người chăm sóc nên bà đã giảm số lượng cây trồng đi. "Qua 2 năm táo bị sâu bệnh nhiều, năm nay chất lượng táo của gia đình vừa ngon, giòn và ngọt nên bán ra rất dễ. Năm nay, gia đình ước tính sản lượng đạt khoảng 6 – 7 tấn quả", bà Mão phấn khởi cho hay.

Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn - Ảnh 4.

Năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Mão, xóm Toàn Thắng 1 dự tính sẽ thu sản lượng khoảng 6 - 7 tấn táo các loại. Ảnh: Hà Thanh

Hiện, thị trường tiêu thụ táo của bà con trong vùng chủ yếu được đưa vào một số siêu thị trên địa bàn TP.Thái Nguyên và các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Nhờ trồng táo đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở xã Đồng Liên có thu nhập ổn định, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân đã hết tuổi lao động tại địa phương. Bởi vậy nhiều hộ đang có dự tính sẽ mở rộng thêm diện để tăng số lượng cây táo trong thời gian tới.

Thái Nguyên: Táo Đồng Liên được cả mùa lẫn giá, nông dân rộn ràng thu hoạch chờ đón Tết Giáp Thìn - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên xuống thăm vườn táo của bà con xóm Toàn Thắng 1. Ảnh: Hà Thanh

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên cho biết, cây táo được bà con trong vùng đưa về trồng từ cách đây khoảng 20 năm. Hiện nay trên địa bàn xã Đồng Liên có khoảng 10ha diện tích trồng táo tập trung chủ yếu ở xóm Toàn Thắng 1 với trên 20 hộ dân tham gia trồng táo. Trung bình mỗi năm, sản lượng táo trên địa bàn toàn xã đạt khoảng trên 200 tấn. 

"Đây là cây trồng được địa phương xác định là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho bà con nhân dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng OCOP cho sản phẩm táo Đồng Liên. Bên cạnh đó, địa phương còn xác định sẽ nhân rộng mô hình, tiến tới các sản phẩm chế biến chuyên sâu, đồng thời định hướng trong tương lai sẽ phát triển mô hình trồng táo kết hợp du lịch trải nghiệm nhằm lan toả mô hình đến nhiều người, nhiều địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trong vùng", Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem