Một phụ nữ Thái Nguyên trồng dược liệu, trồng sâm quý, đưa sản phẩm tốt ra thị trường

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ tư, ngày 10/01/2024 08:31 AM (GMT+7)
Sau một thời gian sử dụng sâm bố chính thấy sức khoẻ có nhiều cải thiện, bệnh viêm đa khớp đã khỏi hẳn, chị Nguyễn Thị Bình, xóm Minh Tiến, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định lan toả sản phẩm tốt cho sức khỏe đến nhiều người.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV Dân Việt về cơ duyên đến với mô hình trồng cây dược liệu và chế biến sản phẩm chuyên sâu từ dược liệu như hiện nay, chị Nguyễn Thị Bình - Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc cho biết đó là cả một câu chuyện dài.

Chị Ngyễn Thị Bình - Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc chia sẻ về một số sản phẩm của HTX được chế biến từ các laoij dược liệu quý. 

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghệ An, tốt nghiệp THCS do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị Bình phải nghỉ học. Sau vài năm chị vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp và tiếp tục học THPT. Năm 2008 chị Bình nên duyên với chồng chị là người Thái Nguyên rồi hai vợ chồng đưa nhau về Thái Nguyên sinh sống.

Tại đây, chị xin vào làm việc tại công ty Sam Sung Thái Nguyên với vai trò quản lý. Trong quá trình làm việc chị mắc phải căn bệnh viêm đa khớp khiến tay chân thường xuyên bị đau nhức, co quắp, khó co duỗi như bình thường. Cộng với mẹ chồng chị có tiền sử nhiều năm bị ho mà chữa nhiều nơi không khỏi. Năm 2018, tình cờ chị gặp một người chị trong lĩnh vực sản xuất dược liệu qua một lần tham gia khoá học phát triển bản thân và đây chính là cơ duyên đã đưa chị đến gần hơn với cây sâm bố chính như hiện nay.

Được người chị giới thiệu chị đã mua sâm bố chính về dùng. Qua quá trình sử dụng sản phẩm cũng như mua về cho mẹ chồng dùng, một thời gian chị nhận thấy căn bệnh của mình và mẹ chồng dần dần tiến triển tốt và khỏi lúc nào không hay. Do đó, chị đã quyết định nghỉ việc tại công ty Sam sung để đồng hành cùng với người chị lan toả sản phẩm từ sâm bố chính đến nhiều người khác.

Một phụ nữ Thái Nguyên trồng dược liệu, trồng sâm quý, đưa sản phẩm tốt ra thị trường- Ảnh 1.

Sau khi dùng sâm bố chính giúp cải thiện sức khoẻ, chị Bình đã quyết định lan toả sản phẩm đến nhiều người. Ảnh: Hà Thanh

Đến năm 2022, do một số yếu tố, chị Bình quyết định tách ra làm riêng, tìm những người có cùng chung chí hướng thành lập HTX Nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc với 8 thành viên. Từ đây, chị bắt tay vào nghiên cứu, kết hợp với một số thầy thuốc tại địa phương phục hồi và bảo tồn lại những loài cây dược liệu quý đã có từ lâu.

Thời điểm đầu bắt tay vào làm, chị Bình gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Vì đây là những sản phẩm mới có mặt trên thị trường nên để tiếp cận được khách hàng tương đối khó. Nhưng với sự kiên trì, không ngừng giới thiệu, tìm kiếm thị trường, dần dần sản phẩm của chị đã được thị trường chấp nhận.

Hiện tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng gần 30ha, trong đó sâm bố chính khoảng 3 – 4ha, cát sâm và sâm nam khoảng 3ha, ba kích 20ha. Ngoài ra còn có đương quy, sâm cau, đẳng sâm, huyết sâm… Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, HTX còn liên kết với hơn 30 thành viên trong và ngoài tỉnh để phát triển chuỗi mô hình trồng cây dược liệu với quy mô lớn.

Cùng với việc trồng cây dược liệu, chị đã tìm tòi để chế biến chuyên sâu thành các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có 2 dòng sản phẩm là thực phẩm Food như: Panna cotta sâm, cốt lẩu sâm, gà hầm sâm và các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm như bột sâm, trà sâm… Dự kiến trong năm 2024, HTX sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho 4 sản phẩm là gà hầm sâm, cốt lẩu sâm, bột sâm và panna cotta sâm.

Một phụ nữ Thái Nguyên trồng dược liệu, trồng sâm quý, đưa sản phẩm tốt ra thị trường- Ảnh 2.

Bột sâm là một trong những sản phẩm chính của HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc hiện nay. Ảnh: Hà Thanh

Để sản xuất ra các sản phẩm chế biến mang tính chuyên sâu, HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc đã liên kết với nhiều đơn vị khác nhau trong quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí và giá thành của sản phẩm.

Với mỗi sản phẩm của HTX sẽ phù hợp với từng thời điểm trong năm, do đó lượng hàng sản xuất ra luôn ổn định quanh năm. Với sản phẩm gà hầm sâm và cốt lẩu sâm sẽ chủ yếu tiêu thụ nhiều vào thời điểm cuối năm, panna cotta tiêu thụ chủ yếu vào mùa hè, còn trà sâm và bột sâm được tiêu thụ quanh năm.

Một phụ nữ Thái Nguyên trồng dược liệu, trồng sâm quý, đưa sản phẩm tốt ra thị trường- Ảnh 3.

Trà huyết sâm, một loại thảo mộc quý có công dụng rất tốt đối với sức khoẻ con người. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ cho các đám lễ, tiệc cũng như đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch với sản lượng tương đối lớn. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, doanh số bán hàng của chị Bình có khi lên tới 200 – 300 triệu đồng.

Để kết nối tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống, chị Bình đã tham gia Team Nông sản Thái Nguyên kết hợp với nhiều tiktoker, streamer thường xuyên livestream sản phẩm để bán hàng, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, sản phẩm của HTX bán ra ngày một lớn.

Hiện, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 4 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn thuê thêm lao động làm việc thời vụ với ngày công 200.000đ/ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem