Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ cuối): Ngân hàng vào cuộc, vẫn chưa có lối thoát
Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ cuối): Ngân hàng vào cuộc, vẫn chưa có lối thoát
Nguyễn Quý (thực hiện)
Thứ năm, ngày 01/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau hội nghị “nóng bỏng” giữa hơn 200 chủ tàu du lịch Hạ Long và 22 ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hàng loạt câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, các chủ tàu du lịch vẫn chưa thấy được lối thoát cho tình cảnh bi đát của mình...
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoan - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, người chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hội nghị vừa qua kết thúc mà đánh giá chung thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn cho các chủ tàu du lịch. 240 chủ tàu với số nợ bị ảnh hưởng là 1.670 tỷ đồng vẫn đang chờ "ngày phán xét". Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã và sẽ xử lý khó khăn của các chủ tàu thế nào, thưa ông?
- Tại hội nghị, chúng tôi đã giải đáp, xử lý 36 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Ngay sau hội nghị 1 ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh kết quả tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Về kiến nghị sửa Thông tư 03, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải có nhiều thông tin hơn và cân nhắc nhiều chiều hơn thì mới sửa được".
Ông Nguyễn Văn Đoan -
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh Quảng Ninh
Tại văn bản này, chúng tôi đã tổng hợp ý kiến của 33 doanh nghiệp gồm 3 nhóm vấn đề. Ý kiến kiến nghị nhiều nhất là sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách (cụ thể là Thông tư 03/2021/TT-NHNN) theo hướng: Mở rộng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ là các khoản vay phát sinh từ 10/6/2020 đến nay và trong thời gian có dịch được cơ cấu lại nợ gốc, lãi vay cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tiếp tục cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ 23/1/2020 đến nay do dịch bệnh lại bùng phát đợt 3, đợt 4 và kéo dài; tiếp tục kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến hết năm 2022; cho phép khoanh nợ/cơ cấu lại thời hạn trả nợ kéo dài thêm từ 2-3 năm kể từ ngày đến hạn trả nợ cuối cùng trong hợp đồng tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đề nghị cho vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh kiến nghị có cơ chế giãn nợ thuế, bảo hiểm thời gian từ 3-5 năm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên cơ sở các kiến nghị của doanh nghiệp và Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành có các chính sách đồng bộ về thuế, bảo hiểm, tiền lương, vốn… hỗ trợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có cơ chế cho phép khoanh nợ đối với các khoản vay thương mại và tiếp tục triển khai thực hiện gói vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động tạm thời bị ngừng việc qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngày 18/6, chúng tôi cũng đã gửi báo cáo, kiến nghị trên đến Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông, giải pháp nào để giải quyết thấu đáo vấn đề của chủ tàu du lịch Hạ Long hiện nay?
- Trong câu chuyện này, phải nhìn nhận cái khó không chỉ ở phía chủ tàu du lịch Hạ Long, mà cả ngân hàng cũng khó. Đến thời điểm hiện tại, cả khách vay và ngân hàng vẫn chưa biết đến hết 31/12/2021 sẽ xử lý kiểu gì. Nếu Thông tư 03/2021/TT-NHNN không được sửa đổi thì khách hàng bị chuyển sang nợ xấu, nợ xấu tăng thì ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro tăng, trong khi khách không vay được nữa thì sẽ khó cho hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến việc trả nợ cho ngân hàng.
Chính vì những cái khó này nên bây giờ phải đề nghị tháo gỡ về cơ chế. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi đề nghị xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng: Mở rộng điều kiện được áp dụng các biện pháp hỗ trợ đối với các khoản vay phát sinh từ 10/6/2020 đến nay; cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ kéo dài thêm từ 2-3 năm kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay; tiếp tục kéo dài việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết 31/12/2022.
Như ông nói thì báo cáo, kiến nghị đã có rồi, liệu các chủ tàu du lịch Hạ Long có hi vọng gì không, và thời gian chờ đợi có lâu không?
- Về phía tỉnh Quảng Ninh, theo tôi được biết hiện nay, Sở Du lịch đang tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh. Ngoài lĩnh vực liên quan đến vốn, thì Sở Du lịch sẽ có ý kiến về các chính sách hỗ trợ các khoản phí, hoặc các chính sách về kích cầu, thu hút khách du lịch…
Trên cơ sở đó, tôi tin những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh sẽ giải quyết ngay, cái gì thuộc thẩm quyền T.Ư thì tỉnh sẽ kiến nghị.
Về kiến nghị sửa Thông tư 03, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải có nhiều thông tin hơn và cân nhắc nhiều chiều thì mới sửa được.
Như vậy, mọi thứ với chủ tàu du lịch vẫn còn rất mờ mịt?
- Tôi nghĩ rằng chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sửa chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đây là một vấn đề lớn, cần phải cân đối nhiều chiều, liên quan tới nhiều bộ ngành. Nhưng do đã nhìn nhận những bất cập của Thông tư 03, nên tôi nghĩ việc trình kiến nghị sửa đổi lần này sẽ thuận lợi hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.