Xung quanh vấn đề này, Dân Việt đã phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn - Vụ phó Vụ Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế).
Hiện nay cả nước có bao nhiêu bài thuốc y dược cổ truyền, thưa ông?
- Căn cứ theo số liệu thống kê của Viện Y dược học Trung ương, cả nước hiện có khoảng hơn 3 vạn bài thuốc y dược cổ truyền. Tuy nhiên, thực tế việc thẩm định và phát huy các bài thuốc này còn nhiều hạn chế. Số bài thuốc được thẩm định còn quá ít: Chỉ khoảng 1/5. Số đã qua thẩm định và được ứng dụng sản xuất phục vụ điều trị rộng rãi chỉ tính trên đầu ngón tay. Có thể kể đến như: Phong tê thấp Bà Giằng, Cam Hàng Bạc...
|
Thần y Vừ Lao Lềnh ở xã vùng cao Mường Lựm (huyện Yên Châu, Sơn La) với loại thuốc Nam ông mới sưu tầm được ở Thái Lan. |
Quy trình thẩm định các bài thuốc quý được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Các thông tư đã quy định cụ thể về tiêu chí xét, thẩm định như: Gia đình phải có quá trình hành nghề qua nhiều đời; chủ nhân phải đưa ra được danh sách 100 nguời đã từng chữa trị đạt kết quả từ bài thuốc này; người có bài thuốc cũng phải công khai với hội đồng về thành phần của bài thuốc, quy trình bào chế, chỉ định và chống chỉ định trong bài thuốc gia truyền đó... Hội đồng sẽ xét duyệt hiệu quả của bài thuốc qua việc nghiên cứu và thẩm định các bệnh nhân đã từng điều trị. Thông thường, quá trình thẩm định này kéo dài từ 15-20 ngày mới cho kết quả.
Nhiều người cho rằng, thuốc gia truyền có những tính năng đặc biệt, người sở hữu bài thuốc nhiều khi được tôn là “thần y” nhưng lại không có “danh phận chính thức” vì không được ngành y tế công nhận. Đâu là rào cản cho sự thẩm định, công nhận ấy?
- Đúng là số bài thuốc y dược cổ truyền được thẩm định là không nhiều. Nguyên nhân chính là do hạn chế về năng lực thẩm định của cơ sở y dược cổ truyền địa phương, hệ thống trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu thẩm định còn nghèo nàn. Mặt khác kinh phí phục vụ cho việc thẩm định còn thấp. Theo quy định, chủ bài thuốc phải đóng 180 nghìn đồng tiền phí, tuy nhiên số tiền này là quá ít so với các xét nghiệm để xác định dược tính của thuốc (có thể lên tới hàng chục triệu đồng).
Tuy nhiên, có lẽ khó khăn lớn nhất chính là sự không hợp tác của những người nắm giữ phương thuốc gia truyền. Bản thân họ luôn có suy nghĩ đã hành nghề rồi cứ thế là khám chữa bệnh thôi chứ cũng không có ý muốn thẩm định. Một phần sợ thủ tục phức tạp, một phần là không muốn tiết lộ bí mật các bài thuốc gia truyền.
Ông có nhận định gì về các phương thuốc gia truyền kiểu như chữa rắn cắn bằng lá trầu không, hoặc bài thuốc lá Nam dùng hút đạn?
- Thực tế trong quá trình đi thẩm định, chúng tôi đã gặp rất nhiều bài thuốc gia truyền, nhưng tôi chưa nghe bài thuốc gia truyền nào kiểu như chữa rắn cắn bằng lá trầu không hay gỡ đạn bằng lá thuốc Nam. Nếu đó là bài thuốc có ưu việt đặc biệt, Sở Y tế địa phương cần thẩm định, cấp phép để bà con yến tâm. Nếu các bài thuốc chưa qua thẩm định, chưa được cấp phép mà đã dùng trong khám chữa bệnh cho người dân là phạm luật, sẽ bị xử lý.
Thời gian tới, Vụ có kế hoạch nào để đẩy mạnh công tác thẩm định và phát huy các bài thuốc y học quý này?
- Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, đánh giá các bài thuốc và đưa ra những phương pháp thẩm định đặc thù với các bài thuốc Đông y về vật chất, trang thiết bị. Chúng tôi cũng lên kế hoạch đầu tư, xây dựng hành lang pháp lý phục vụ cho công tác nghiên cứu, thẩm định. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ xem xét chế độ hỗ trợ người có bài thuốc gia truyền yên tâm cống hiến bài thuốc đó để phục vụ khám chữa bệnh trong cộng đồng.
Xin cảm ơn ông !
Theo hướng dẫn của Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), các bước đăng ký bài thuốc gia truyền khá đơn giản:Bước 1: Cá nhân gửi hồ sơ về Sở Y tế tỉnh mình sinh sống và nộp lệ phí theo quy định; Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm giữ bí mật bài thuốc theo quy định của pháp luật;
Bước 3: Sở Y tế kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cụ thể để đương sự bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định;
Bước 4: Căn cứ vào biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định, giám đốc Sở Y tế xem xét và ra quyết định cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận. Nếu bài thuốc không được công nhận là bài thuốc gia truyền thì giám đốc Sở Y tế có công văn nêu rõ lý do không công nhận để thông báo cho người đề nghị cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” biết.
Khi bài thuốc được công nhận, người có bài thuốc sẽ phải đăng ký hành nghề y dược để thực hiện khám, chữa bệnh đúng luật.
Nguyễn Trang
Minh Nguyệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.