Thành công nhờ lòng dân đồng thuận

Thứ bảy, ngày 27/11/2010 13:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là 1 trong 8 xã thực hiện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của Thái Bình, bức tranh NTM ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương đã xuất hiện những mảng màu tươi sáng.
Bình luận 0
img
Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là một trong những tiêu chí xây dựng NTM ở Thanh Tân.

Cuối tháng 3-2009, xã Thanh Tân bắt tay vào xây dựng NTM với các đề án cụ thể.

Quy hoạch lại đồng ruộng

Hiện Thanh Tân đã quy hoạch 4 vùng sản xuất hàng hoá và 1 khu chăn nuôi tập trung. Vùng sản xuất nông sản hàng hóa gồm 80ha cấy giống lúa BC15 chất lượng cao; 7ha lúa Nhật; 10ha lúa giống; 117ha đỗ tương; 5ha dưa chuột xuất khẩu và 10ha khoai tây.

Hơn 1 năm xây dựng NTM, xã Thanh Tân đã đón 30 đoàn khách T.Ư và các địa phương đến thăm, học hỏi kinh nghiệm, trong đó có chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 5-2010.

Xã cũng đang thực hiện các đề án hỗ trợ ND cải thiện điều kiện sống; đào tạo nghề cho ND theo nhu cầu SXKD. Để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí NTM, ND đã dồn điền đổi thửa (hiện bình quân 1,86 thửa ruộng/hộ); xây dựng 16,5km giao thông nội đồng; đào đắp bờ vùng, bờ trục; xây mới và đưa vào vận hành trạm bơm; kiên cố hoá hơn 3km kênh, mương; hoàn thành và kết nối đường vùng sản xuất với đường dân sinh, rải đá láng nhựa với chiều dài 1,5km.

HTX nông nghiệp mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy sạ hàng, giúp giảm chi phí làm đất cho ND 20.000 đồng/sào, giảm chi phí thu hoạch 60.000 đồng/sào... Cùng với việc quy hoạch lại ruộng đồng theo hướng sản xuất hàng hoá, các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch và công trình văn hoá công cộng được chú trọng đầu tư...

Làm NTM mới là cho mình

Ông Bùi Mạnh Hà- Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM với 4 tiểu ban chuyên trách: Tuyên truyền; Quy hoạch xây dựng cơ bản; Xây dựng đề án phát triển kinh tế nông nghiệp và Đào tạo. Tiếp đó, xã ký hợp đồng với các đơn vị chức năng hoàn thiện các quy hoạch. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, xã xây dựng kế hoạch phát triển “tam nông”.

Về nông nghiệp, tập trung vào 5 việc: Quy hoạch vùng sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng ruộng; dồn điền đổi thửa; đưa cơ giới hoá vào sản xuất; xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Về phát triển nông thôn, có 3 đầu việc: Quy hoạch khu dân cư; cải tạo, xây mới kết cấu hạ tầng; phát triển ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm. Về ND, tập trung hỗ trợ ND cải thiện nhà ở, nhà bếp, nhà vệ sinh và khu chăn nuôi; đào tạo nghề cho ND.

Với mỗi nội dung, xã không tổ chức làm đại trà mà chọn mỗi thôn làm điểm 1 mô hình. Trong quá trình thực hiện, các thôn kiểm tra chéo, học tập kinh nghiệm của nhau để dần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Chúng tôi tìm hiểu mô hình điểm dồn điền đổi thửa, đúng lúc ông Phạm Quang Hưng - Trưởng thôn Nam Lâu đang thống kê lao động phục vụ đề án dạy nghề của xã. Ông Hưng cho hay: “Hiện, bình quân chỉ còn 1,8 thửa ruộng/hộ. Người dân trong thôn còn tự nguyện hiến 18m2 ruộng/khẩu để làm kênh mương, đắp to bờ vùng, bờ thửa. Họp thôn, bà con thống nhất, ai không đi thì đóng tiền trả cho người đi làm. Nhiều người còn ủng hộ tiền, hiện vật...”.

Anh Đinh Sỹ Nguyên, thôn An Cơ Đông thông tin: “Thôn An Cơ Đông làm điểm về “đường sạch, ngõ đẹp”. Con em trong thôn công tác, làm ăn ở khắp nơi đã ủng hộ 7 tấn xi măng làm đường, 700 cây cau cảnh để bài trí cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Xây dựng NTM là cho chính mình nên ai cũng ủng hộ...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem