Thánh đường Hồi giáo với món cà ri nổi tiếng

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 27/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
TP.HCM có lịch sử khẩn hoang lâu đời, đã và đang là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng cư dân khác nhau, nên mang trong lòng thành phố nhiều mối giao thoa văn hóa đặc sắc. Trong những mối giao thoa văn hóa đó, cơ sở tôn giáo là một trong những đặc điểm nổi bật không thể bỏ qua.
Bình luận 0

Chẳng hạn như Phật giáo, ngoài những ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông với chùa của người Việt, người Hoa, còn có cả chùa theo hệ phái Nam tông theo kiểu Khmer, Thái Lan. Kito giáo có cả hệ thống nhà thờ cùng tu viện, nhà nguyện hoành tráng, trong đó có Nhà thờ Đức Bà đã trở thành một trong các biểu tượng của Sài Gòn.

Thánh đường Hồi giáo với món cà ri nổi tiếng - Ảnh 1.

Vị trí của tòa Thánh đường khá dễ thấy, nằm ngay mặt tiền, kế chợ Xã Tây. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Với Hồi giáo, tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới, Sài Gòn có không? Dĩ nhiên là có, nổi tiếng nhất là Thánh đường Hồi giáo ở địa chỉ 66 Đông Du (quận 1). Ngoài ra còn phải kể đến Thánh đường Hồi giáo Chợ Lớn ở địa chỉ 641 Nguyễn Trãi (quận 5). Xem như ở khu Sài Gòn và khu Chợ Lớn, đều có những Tháng đường tiêu biểu.

Lần hồi tra cứu tư liệu, thì ngôi Thánh đường Hồi giáo Chợ Lớn đã có lịch sử từ những năm 1932. Vào thời đấy, Pháp mở cửa nước ta thông thương với thế giới, lưu dân trong và ngoài nước đổ về Sài Gòn rất nhiều. Sẵn Pháp có một số thuộc địa tại Ấn Độ, nên một số người dân từ Ấn Độ cũng tìm đến khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn để làm ăn.

Khi người Ấn đến đây, cũng mang theo tôn giáo của họ. Người Ấn, ngoài Ấn Độ giáo là tôn giáo chính, còn có một bộ phận không nhỏ theo Hồi giáo. Chính vì nhu cầu thực hành tôn giáo Hồi giáo, mà người Ấn đã xây dựng nên các ngôi Thánh đường Hồi giáo ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Và cũng xin lưu ý, ngoài người Ấn xây Thánh đường, còn có một số Thánh đường của người Chăm nữa.

Thánh đường Hồi giáo với món cà ri nổi tiếng - Ảnh 2.

Quán cà phê bên trong Thánh đường. Ảnh: H.B.Đ

Trở lại ngôi Thánh đường Chợ Lớn, có vị trí khá dễ tìm, nằm ngay kế chợ Xã Tây. Chúng tôi tìm đến ngôi Thánh đường này vào một buổi trưa của tháng 12. Lúc bấy giờ, Thánh đường khá vắng vẻ, chỉ có vài khách vãng lai đến uống cà phê trong ngôi Thánh đường.

Nhìn từ bên ngoài, Thánh đường được thiết kế với những hàng cột cao nghệu, trên nóc có trang trí biểu tượng "trăng lưỡi liềm" đặc trưng của thế giới Hồi giáo. Ở bên trong, nhìn về phía bên trái hàng hiên cửa ra vào là hồ thánh tẩy thân thể cho đạo hữu trước khi bước vào khu điện thờ cầu nguyện.

Thánh đường Hồi giáo với món cà ri nổi tiếng - Ảnh 3.

Các tín đồ đang thanh tẩy trước khi vào điện làm lễ. Ảnh: H.B.Đ

Dạo một vòng, có thể nhận ra ngay, so với các tôn giáo khác, bài trí của Thánh đường Hồi giáo khá đơn giản, không hề nhìn thấy tranh ảnh, ngẫu tượng, chuông trống... Trong gian chính của Thánh đường, chỉ có mỗi một không gian trống trải để các tín đồ hành lễ.

Theo lý giải của các tín đồ, thì Hồi giáo thờ Thánh Allah, là vị Thượng đế - Chúa trời, duy nhất của Hồi giáo. Allah hiện hữu khắp mọi nơi và không tồn tại trong bất kỳ hình thái vật chất nào, nên nếu thờ Allah mà thờ kèm ngẫu tượng hoặc tranh ảnh, cũng chính là báng bổ vào đức tin của Hồi giáo. Đấy là giải thích cho sự thiếu vắng các tranh ảnh, ngẫu tượng, biểu tượng... như thường thấy so với các tôn giáo khác.

Thánh đường Hồi giáo với món cà ri nổi tiếng - Ảnh 4.

Không khí thiêng liêng trong giờ làm lễ. Ảnh: H.B.Đ

Khi được hỏi vì sao đã sắp đến giờ lễ buổi trưa, nhưng Thánh đường vẫn còn thưa vắng, vị giáo cả ở đây là ông Masales trả lời: Thực tế, vào những ngày thường, số lượng tín đồ tìm đến đây để cầu nguyện khá đông. Ngoài những tín đồ sinh sống tại TP.HCM còn có một lượng lớn tín đồ là khách du lịch từ những quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei... đến đây cầu nguyện.

Một trong những điểm đến bắt buộc trong những chuyến du lịch của người dân các nước đấy khi đến TP.HCM là phải đến Thánh đường Hồi giáo này.

Còn phải kể đến, một lượng đáng kể tín đồ là những người làm việc tại những Lãnh sự quán của các quốc gia Hồi giáo đóng trên địa bàn TP.HCM.

"Nhưng như các bạn cũng đã biết, 2 năm nay tình hình thế nào rồi. Nên lượng tín đồ đến đây giảm hẳn. Hiện tại, mỗi ngày nơi đây đón tiếp trên dưới 100 tín đồ, gồm đủ thành phần các dân tộc như Kinh, Hoa, Chăm... và một số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam", vị giáo cả Masales cho biết.

Khi đến giờ làm lễ, từng nhóm một lục tục đến Thánh đường. Họ cẩn thận bỏ giày dép bên ngoài, không quên 5K, đến bên hồ thánh tẩy rửa tay chân mặt mũi, quấn quanh một tấm "xà rông", rồi mới lặng lẽ tiến vào bên trong Thánh đường. 

Mọi người tự tìm cho bản thân một vị trí, cùng quay mặt về hướng Tây – hướng của Thánh địa Hồi giáo Mecca (Ả rập Xê út) – rồi cùng nhau cầu nguyện. Để thuận tiện cho việc hành lễ, còn có khu vực riêng dành cho phụ nữ nữa.

Thông thường, với những người đến đây hành lễ hoặc tham quan, ngoài thực hành tôn giáo, tìm hiểu văn hóa, kiến trúc của ngôi Thánh đường, còn phải thưởng thức cả món cà ri ở nơi đây nữa. Món cà ri dù đã phổ cập khắp miền Nam, nhưng theo một số người sành ăn, chỉ có đến nơi đây mới nấu đúng vị cà ri Ấn Độ. 

Về chuyện thưởng thức ẩm thực, ông Masales cũng trình bày rằng: Hiện tại cũng vì lý do dịch, nên chúng tôi chưa mở lại quầy ẩm thực cà ri. Hẹn một ngày không xa, sẽ tiếp tục trở lại với món ăn đậm đà hương vị Ấn Độ và Hồi giáo này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem