Thanh Hóa: Dân xã miền núi Giao An khiếp sợ khi qua sông

Thứ năm, ngày 21/11/2013 08:03 AM (GMT+7)
Dù là 1 trong 117 xã điểm nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa, nhưng xã miền núi Giao An, huyện Lang Chánh đang gặp vô vàn khó khăn. Người dân đang khao khát có được một cây cầu...
Bình luận 0
“Đột phá” bằng cây ngô đông

Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng ngô đông của bà con trong xã, Bí thư Đảng bộ xã Giao An- Lê Hồng Chuyên cho biết: “Diện tích ngô đông năm nay của xã đã tăng lên 20ha. Năng suất ngô dù chưa cao, mới chỉ đạt 38 tạ hạt khô/ha, nhưng đây là một cách “đột phá” trong chuyển đổi cây trồng ở Giao An chúng tôi”.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt người dân và học sinh ở Giao An phải “đu” qua sông Âm bằng bè luồng.
Mỗi ngày, hàng trăm lượt người dân và học sinh ở Giao An phải “đu” qua sông Âm bằng bè luồng.

Đến thăm ruộng ngô của gia đình chị Phạm Thị Ngọc ở thôn Viên, chúng tôi được biết đây là vụ ngô đông thứ hai nhà chị tham gia trồng trên đất 2 lúa. “Chúng tôi trồng thêm 1 vụ ngô, cũng cho thu được một món tiền kha khá, còn hơn là bỏ đất hoang đợi cấy lúa vụ chiêm xuân”- chị Ngọc cho hay. Ngoài ra, ở Giao An còn triển khai mô hình trồng nấm trong các hội viên Hội Phụ nữ và Hội Nông dân của xã. Hiện nay đã có gần 40 hộ tham gia trồng nấm rơm. Chị Hà Thị Yến-hội viên phụ nữ thôn Viên cho biết: “Chúng tôi mới được hướng dẫn cách trồng nấm, nhà nào cũng thu nhập cao. Nấm mang ra thị trấn bán với giá 80.000 đồng/kg mà không có hàng để bán”- chị Yến cho biết.

… nhưng vẫn thiếu một cây cầu

Sau hơn 2 năm bắt tay xây dựng NTM, đến nay xã Giao An cũng đã đạt được 14/19 tiêu chí. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Giao An, điều khó khăn nhất “kìm hãm” sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như “ngăn tiến độ” xây dựng NTM ở Giao An là dòng sông Âm chia cắt xã thành hai nửa. Ở bên phía tả sông có 3 làng, gồm: Làng Ang, làng Trô và Pắc Nặm, với hơn 300 hộ dân sinh sống. Do trung tâm xã nằm bên hữu sông nên dân 3 làng chỉ có cách duy nhất là vượt qua sông Âm cũng bằng phương tiện duy nhất là một cái mảng được ghép từ hơn chục cây luồng dài do bà con tự tạo ra.

"Nếu có được một cây cầu bê tông bắc qua sông Âm, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở Giao An vào năm 2015”.
Ông Lê Hồng Chuyên

Và đã từ bao đời nay, mỗi khi muốn sang trung tâm xã người dân Giao An đã phải qua sông như vậy. Vì không có điều kiện làm cột bê tông với ròng rọc dây cáp, dân bản đã tận dụng sợi cáp quang do một công ty viễn thông bỏ lại sau khi thi công. Sợi dây to bằng ngón tay được buộc vào 2 gốc cây mọc sát bờ sông, người và mảng cứ đu bám theo đó mà sang sông. Trong khi đó, Trường THCS Giao An cũng tọa lạc bên bờ hữu, nên mỗi ngày có gần 60 em học sinh phải vượt sông đến trường. “Cái khó khăn nhất là vào mùa mưa, nước dâng cao lên thì tất cả các em đều phải nghỉ học. Chúng tôi đã đề nghị lên cấp trên rất nhiều lần, nhưng đến nay một cây cầu bắc qua sông Âm vẫn là niềm mơ ước, khát khao của cả xã” - ông Chuyên cho biết.

Hồng Đức (Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem