"Vàng trắng" rẻ... như bèo
Bỏ ra khoản chi phí đầu tư khá lớn để trồng, chăm sóc vườn cao su trong suốt thời gian dài, mong mỏi đến ngày nhận quả ngọt từ “vàng trắng” nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) đành phải chặt bỏ một nửa diện tích cây cao su.
Chị Xuân ngậm ngùi nuối tiếc chia sẻ với PV: “Gia đình đã bỏ biết bao nhiêu công sức và tâm huyết vào cây cao su nhưng bây giờ thì cũng đành chặt thôi. Chúng tôi không còn kiên nhẫn được nữa. Giá mủ xuống quá thấp, hiện chỉ còn 30 triệu đồng/1 tấn mủ, tương đương 30.000 đồng/kg, rẻ như rau trong khi chi phí thuê nhân công ngày càng cao".
"Những năm qua, gia đình chủ yếu phải lấy công làm lãi. Hai vợ chồng thức khuya dậy sớm đi lấy mủ nhưng thu nhập cũng không đáng là bao. Nhìn vườn cao su đang trong thời gian lấy mủ, tiếc lắm nhưng gia đình vẫn phải quyết định chặt bỏ một phần để chuyển sang cây trồng khác còn hi vọng có thu nhập” - chị Xuân cho biết thêm.
Người trồng cây cao su đang chặt bỏ một số diện tích để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tương tự, anh Lê Xuân Bằng (huyện Như Thanh) cũng than thở: “Mấy năm lại đây, giá trị kinh tế của cây cao su liên tục giảm, cộng với sâu bệnh, lượng mủ ít... Nếu thuê người cạo bán, tiền bán mủ không đủ trả nhân công mà còn mất thời gian quản lý và chăm sóc vườn. Cuộc sống cả gia đình chỉ dựa vào vài ha cao su nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp nên đành chặt bỏ thôi”.
Ngày nào sẽ tăng giá trở lại?
Trong khi đó, ông Cao Văn Đường (thôn Thái Học, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) thì băn khoăn: "Gia đình tôi có 1,5ha cao su, trồng từ năm 1998 đến nay đang cho thu hoạch. Trước đây, mỗi năm vườn cao su cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng từ năm 2013 đến nay, giá mủ liên tục xuống thấp khiến gia đình tôi thất thu, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này, nếu thuê 3 nhân công khai thác mủ, mỗi tháng phải trả hết 12 triệu đồng nhưng bán mủ chỉ thu về được một nửa số ấy, còn tiền chăm sóc như bón phân cho 1ha cao su bây giờ khoảng 30 triệu/năm, chưa nói tiền công làm cỏ, dọn vườn, thổi lá... Tình trạng này kéo dài khiến gia đình tôi cũng chán nản vô cùng, muốn từ bỏ cây cao su”.
Thời gian gần đây, diện tích cây cao su bị người dân chặt bỏ ở Thanh Hóa tăng lên.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy) cho biết: Xã có 25ha cao su, tập trung nhiều ở các thôn Bắc Sơn, Lương Thành, Thuần Lương. Trước đây, những năm “hoàng kim” của cây cao su, mỗi sáng đều có xe chạy tới tận các gia đình để thu mua mủ. Nhiều hộ nhờ đó mà thoát nghèo, khá giả. Thế rồi giá cao su rớt thảm, nhiều hộ còn chả buồn thu hoạch vì tiền công chăm sóc, thu hoạch cao hơn cả tiền bán mủ.
Ông Đỗ Viết Dương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa chia sẻ quan điểm: 5 năm trở lại đây, giá mủ cao su liên tục xuống thấp khiến không chỉ người trồng cao su mà cả Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giá mủ cao su thường tỉ lệ thuận với giá dầu mỏ. Các mặt hàng sản xuất từ cao su sử dụng khoảng 50% cao su tự nhiên, cộng thêm 50% các sản phẩm cuối của lọc dầu. Hiện nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cao su trên thị trường thế giới vẫn cao, vì vậy tôi tin rằng tương lai giá mủ cao su sẽ tăng trở lại.
Được biết, phía Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa đã nêu quan điểm với những vườn cao su bị gãy đổ do bão, hư hại do sương muối, mật độ không đảm bảo thì cũng không thể bắt người trồng phải giữ lại. Tuy nhiên, với những vườn cao su được hỗ trợ theo các chương trình trồng rừng từ Dự án 661, 327 hoặc trong quy hoạch thì kiên quyết giữ.
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, đến đầu năm 2019, toàn tỉnh này có 14.311 ha cao su trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. giảm 1.260 ha so với đầu năm 2018. Các huyện có diện tích cao su giảm mạnh: Thạch Thành (452,1 ha), Như Xuân (330 ha), Thường Xuân (125,5 ha); Như Thanh (313,4 ha). |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.