Thanh Hóa, Nghệ An trở thành công xưởng khổng lồ chế biến một loại thức ăn chăn nuôi
Thanh Hóa, Nghệ An trở thành công xưởng khổng lồ chế biến một loại thức ăn chăn nuôi
P.V
Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Với đàn bò sữa lên đến 15.000 con, Nghệ An đang có xu hướng trở thành một công xưởng khổng lồ chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô. Ở Thanh Hóa, diện tích cây ngô biến đổi gen cũng tăng lên đáng kể.
Anh Vũ Văn Quân ở đội Thắng Lợi, Công ty bò sữa Thống Nhất (huyện Yên Định, Thanh Hoá) cho biết, gia đình anh có 4ha trồng ngô. Cách đây 3 năm, anh được giới thiệu trồng giống ngô biến đổi gen 6919, ngay sau khi trồng vụ đầu tiên, anh đã nhận thấy sự khác biệt.
"Qua quá trình làm thử tôi thấy trồng giống ngô ứng dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả rất cao. Thứ nhất, nông dân chúng tôi nhẹ công chăm sóc do không phải phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều; công đoạn tưới đã có hệ thống tưới tự động hỗ trợ. Thứ hai, năng suất ngô rất cao, đạt 54 - 55 tấn/ha. Năm nay giá ngô sinh khối được công ty mua với giá cao, 1.400 đồng/kg nên bình quân gia đình tôi thu 65 – 70 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng mía trước đây", anh Quân khoe.
Anh Quân cho biết, trước đây diện tích đất ở đội Thắng Lợi chủ yếu trồng mía, nhưng thu nhập chỉ đạt 25 – 30 triệu đồng/ha. Sau khi đàn bò sữa phát triển nhanh ở Yên Định, toàn bộ diện tích mía trước đây đã được chuyển sang trồng ngô sinh khối với diện tích khoảng 60ha, từ đó giúp bà con có thu nhập ổn định.
"Làm được bao nhiêu công ty bò sữa bao tiêu hết đến đó nên chúng tôi không phải lo đầu ra, cứ yên tâm sản xuất thôi", anh Quân chia sẻ.
Huyện Anh Sơn, Nghệ An cũng đang từng bước hình thành vùng nguyên liệu ngô khổng lồ. Chị Trần Thị Giang ở thôn 4, xã Thạch Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, trước đây, vào mùa đông, một trong những nỗi lo lớn của những nông dân chăn nuôi nhiều gia súc như gia đình chị là nguồn thức ăn thô xanh dự trữ để giúp đàn vật nuôi chống chọi qua mùa đông giá rét. Nhiều năm trước, nông dân huyện Anh Sơn bị thiệt hại đáng kể do đàn trâu bò bị chết rét.
"Sau khi trồng giống ngô biến đổi gen thì nỗi lo này không còn nữa. Thâm canh cây ngô biến đổi gen cho năng suất cao, chúng tôi sử dụng ủ men làm thức ăn cho trâu bò rất tốt nên ngay cả trong mùa đông, đàn bò vẫn phát triển ổn định. Năm vừa qua gia đình tôi đã tích lũy được 100 triệu đồng", chị Giang cho biết.
Đáng chú ý, trồng ngô sinh khối, bà con tận dụng được hết bộ phận của cây ngô làm thức ăn chăn nuôi, không bỏ đi thứ gì.
Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty thương mại Hòa Phát cho biết, nhu cầu ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn gia súc ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An là rất lớn. "Có bao nhiêu doanh nghiệp cũng mua hết, giá hiện tại là 1,3 triệu đồng/tấn tại nhà máy", ông Hòa thông tin.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa hiện có 4.000 ha trồng ngô, trong đó nhiều diện tích sử dụng giống ngô chuyển gen. Trong khi đó, ông Phan Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, tốc độ ứng dụng ngô biến đổi gen ở Nghệ An rất nhanh do cây ngô ứng dụng công nghệ sinh học góp phần kiểm soát sâu bệnh, nhất là sâu keo mùa thu; giảm chi phí lao động, lại ổn định về năng suất, chất lượng.
Với đàn bò sữa lên đến 15.000 con, tỉnh Nghệ An hiện như một công xưởng chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi khổng lồ với vùng nguyên liệu ngô bạt ngàn được chăm sóc, thu hoạch, xử lý bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, do đàn bò sữa khá lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi là rất cao. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, tỉnh nhận thấy đây là nhu cầu lớn nên đã cung cấp cho các doanh nghiệp 5.000ha diện tích chuyên trồng ngô sinh khối, ngoài ra có thể mở rộng diện tích.
Khu vực Trung Bộ đang trở thành vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt lớn của cả nước, do vậy nhu cầu nguồn thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới là rất lớn. Chắc chắn, thời gian tới, diện tích liên kết trồng ngô giữa doanh nghiệp và người dân sẽ còn tăng để đáp ứng nhu cầu của đàn vật nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.