Có lợi thế từ bãi bồi được sông Chu phủ lên lớp đất màu hằng năm, xã Thiệu Minh, (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã "sống khỏe" với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nghề được đánh giá đầu tư thấp, tận dụng được lao động nhàn rỗi và quan trọng là hiệu quả kinh tế cao.
Được phù sa bồi đắp hằng năm, cây dâu ở xã Thiệu minh cho lá rất to. Ảnh: Vũ Thượng
Bà Trần Thị Lịch (thôn Đồng Minh, xã Thiệu Minh) kể: "Trước kia nuôi con ăn "cơm đứng" rất vất vả, giá bán sản phẩm (kén) thấp chỉ 20.000 đồng/kg. Sau khi HTX trồng dâu, nuôi tằm Thiệu Minh thành lập, tôi đăng ký tham gia. Ban đầu nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả, tằm nuôi ít chết, giá kén từ 60-90.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí tháng cũng lời gần 2 triệu đồng/người".
Tằm ăn cả ngày, cả đêm nên chuẩn bị nhiều lá dâu. Ảnh: Vũ Thượng
Cũng theo bà Lịch, khi thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, điều cần phải chú trọng nhất là thuốc bệnh và phân bón. Phải sử dụng thuốc hữu cơ, phân chuồng để chăm sóc cây dâu, con tằm rất kỵ thuốc hóa học, nếu tằm ăn sẽ chết hàng loạt.
Tuyệt đối không phun thuốc trừ sâu lên cây dâu. Ảnh: Vũ thượng
Với 20 năm nuôi tằm lấy tơ, bà Lê Thị Thao (thôn Đồng Bào, xã Thiệu Minh) cho biết: "Nuôi tằm cũng không khó, bắt đầu từ trứng nhỏ li ti, nở ra con tằm. Trải qua 3 thời kỳ lột xác cùng với 3 thời điểm ăn để lớn. Tiếp đến tằm ăn rỗi, chúng tiêu thụ một lượng thức ăn bằng 75-80% lượng thức ăn của cả đời, khâu này nếu không chuẩn bị lá dâu, gặp thời tiết bất lợi tằm chỉ nhả một lượng tơ nhỏ".
Khi tằm đã "ăn no" bắt đầu nhả tơ để tạo tổ. Ảnh: Vũ Thượng
Khi tằm ăn đến độ chín, chúng kéo lên ổ làm kén và bắt đầu nhả tơ. Trong 2 ngày đêm, con tằm miệt mài nhả ra những sợi tơ óng ả, chúng cuốn quanh mình và sẽ nằm yên trong tổ khoảng 6 ngày. Khi gỡ kén thì tằm biến thành ngài, bắt đầu một quá trình mới: thụ tinh, đẻ trứng. Vòng đời của tằm kéo dài khoảng 25-30 ngày.
Chăm sóc đúng kỹ thuật, tằm nhả những sợi tơ óng ả. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bà Lê Thị Giang-Giám đốc HTX trồng dâu, nuôi tằm Thiệu Minh nói: "Để đảm bảo nguồn giống, HTX phân công cho 2 thành viên chủ đạo ươm, phát giống tằm cho các thành viên khác trong HTX. Khi có sản phẩm (kén) chúng tôi sẽ gom lại để bán cho công ty. Tất cả đầu vào, đầu ra đều khép kín theo chuỗi liên kết, vì thế các thành viên rất yên tâm đầu tư, sản xuất".
Ươm giống cho một chu kỳ nuôi tằm mới. Ảnh: Vũ Thượng
"Hiện nay, HTX trồng dâu, nuôi tằm Thiệu Minh với gần 100 thành viên tham gia. Với 6 tháng đầu năm, HTX nuôi được 4 lứa tằm, mỗi lứa 180 vòng, 1 vòng đạt 12 kg kén, với giá bán 65.000 đồng/kg. Bình quân, 1 vòng thu gần 800.000 đồng. So với trước kia năng suất trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương tăng lên gấp nhiều lần", bà Lê Thị Giang nói thêm.
So với trồng cây màu khác, cây dâu tại xã Thiệu Minh đang "sống khỏe", việc được mùa, mất giá không còn là mới lo lớn đối với nông dân nơi đây, vì thế nhiều hộ gia đình đang quay lại với nghề.
Ông Nguyễn Đình Lam-Chủ tịch UBND xã Thiệu Minh cho biết: "Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương đã có nhiều đời nay, nhưng manh mún, thị trường thiếu ổn định, các hộ dân chỉ làm cầm chừng. Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thiệu Minh, HTX trồng dâu, nuôi tằm thành lập, đã hỗ trợ nhau giảm ngày công chăm sóc, ít mắc bệnh tật, bán được giá...các thành viên đang hỗ trợ nhau phát triển. Để đảm diện tích trồng dâu, xã sẽ lên kế hoạch lâu dài giúp nông dân mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.