Thành lập 1 thị xã ở Bắc Giang và 1 thị trấn ở Thanh Hoá

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 13/12/2023 10:47 AM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên (Bắc Giang) và việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa, thành lập thị trấn Hậu Hiền (Thanh Hóa).
Bình luận 0

Sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cơ sở lập thị xã Việt Yên và thị trấn Hậu Hiền

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tỉnh Bắc Giang đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên (171,01km2) và quy mô dân số (229.162 người) của huyện Việt Yên.

Đồng thời thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.

Thành lập 1 thị xã ở Bắc Giang và 1 thị trấn ở Thanh Hoá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp sáng 13/12. Ảnh: Quốc hội

Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên thì tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng đơn vị cấp huyện, cấp xã trực thuộc.

Thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích, quy mô dân số, có 17 đơn vị cấp xã trực thuộc (gồm 9 phường và 8 xã); 9 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích và quy mô dân số.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía tây nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của huyện Việt Yên thì việc thành lập thị xã Việt Yên là cần thiết.

Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Trà cho hay tỉnh Thanh Hóa đề nghị nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa.

Thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).

Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền, theo Bộ trưởng Trà là cần thiết.

Đồng thời đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung.

Trình bày thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay việc thành lập thị xã Việt Yên, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền theo các tờ trình của Chính phủ đều phù hợp với quy hoạch.

Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thành lập 1 thị xã ở Bắc Giang và 1 thị trấn ở Thanh Hoá - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày thẩm tra. Ảnh: Quốc hội

Nội dung quy hoạch là vấn đề bắt buộc

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn trong tờ trình chưa đề cập đến nội dung liên quan đến quy hoạch - đây là vấn đề bắt buộc.

Do vậy, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần khẳng định rõ vấn đề này trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ trong nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không nêu vấn đề nợ tiêu chí khi thành lập đô thị. Do vậy phải khẳng định có hay không có tình trạng nợ tiêu chí khi thành lập đô thị.

Thành lập 1 thị xã ở Bắc Giang và 1 thị trấn ở Thanh Hoá - Ảnh 4.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung liên quan đến quy hoạch là vấn đề bắt buộc khi lập thị xã Việt Yên ở Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền ở Thanh Hóa. Ảnh: Quốc hội

Về vấn đề đổi tên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, cần làm rõ tại sao lại đổi tên từ Minh Tâm thành thị trấn Hậu Hiền.

Giải trình sau đó về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng tờ trình của Chính phủ đã rất đầy đủ, bám đúng theo các tiêu chuẩn, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bà Trà nêu rõ bộ đã đảm bảo đúng theo quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị đã phê duyệt.

Tại phiên họp, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự biểu quyết thông qua nghị quyết về nội dung này. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2024.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem