Không còn độc quyền xuất khẩu thanh long
Trước đây, chỉ có người dân ở Tiền Giang và Long An trồng thanh long, với tổng diện tích khoảng 3.000ha. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, người dân ở các địa phương khác như Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, TP.Cần Thơ…cũng ồ ạt trồng loại cây này. Không riêng gì vùng ĐBSCL, thanh long còn được người dân ở các tỉnh phía Bắc trồng, nâng tổng diện tích thanh long của cả nước lên đến hơn 28.000ha, với sản lượng ước đạt 520.000 tấn/năm.
Theo chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân việc tăng vọt diện tích thanh long trong thời gian qua là do giá cao, có lúc lên đến 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc người dân tự ý mở rộng diện tích, không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều vấn đề lo lắng. Hiện chỉ có tỉnh Long An và Tiền Giang có cơ sở thu mua, được các ngành chức năng tham gia vào công tác quản lý, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, còn các tỉnh, thành còn lại thì người dân đều “tự bơi”.
Ông Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam) nói: “Các kỹ thuật trồng, quản lý dịch bệnh, xử lý ra hoa cho thanh long đều chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc sản phẩm thu được có chất lượng không cao, giá bán ra thấp. Nếu việc tự ý mở rộng diện tích nhanh chóng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ”.
Ông Lập cho biết thêm: “Hiện nay, thanh long Việt Nam tiêu thụ trong nước ít mà chủ yếu là xuất khẩu. Chúng ta đã xuất qua được 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đến 80% sản lượng là qua Trung Quốc, còn lại là các thị trường như Nhật, Malaysia, Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Mỹ… Theo đó, sản lượng xuất cũng tăng mạnh qua các năm (khoảng 30%/năm), riêng Trung Quốc có năm tăng khoảng 80% so với năm trước đó”.
Nhiều năm qua, nước ta chiếm đến 90% lượng giao dịch thanh long trên thế giới. Tuy nhiên, vị trí độc tôn này đang bị “lung lay” bởi hiện nay, nhiều nước trên thế giới nhận định thanh long sẽ có tiềm năng nên đầu tư trồng loại cây này.
Cụ thể, Trung Quốc (thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam) đang đầu tư vùng trồng thanh long 20.000ha ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, gần bằng với diện tích trồng thanh long của cả nước ta. Ngoài ra còn có một số nước khác như Thái Lan (nước có thương hiệu trái cây trên thị trường thế giới), Mỹ, Nhật, Mexico, Thái Lan, Philippines...
“Những nước này trồng thanh long nhằm tự cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu và sau đó là cạnh tranh với Việt Nam. Trong nền kinh tế hiện nay rất khó độc quyền. Do trước đây chỉ nước ta cung cấp sản lượng lớn thanh long ra thị trường thế giới nên nhiều nước đã nhảy vào trồng loại cây này. Đây cũng chính là một trong những khó khăn lớn của nước ta trong việc xuất khẩu thanh long trong thời gian tới” – ông Lập nhận định.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm
Tìm hiểu ở một số cơ sở thu mua thanh long ở Tiền Giang và Long An, chúng tôi được biết, sản phẩm thanh long của Việt Nam phần lớn là xuất khẩu tươi. Công nghiệp chế biến vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được thương mại hóa. Hiện chỉ có vài công ty chế biến rượu, nước giải khát, nước ép, làm bột và sấy từ trái thanh long, lượng cung cấp ra thị trường từ các công ty chế biến này chưa nhiều, việc quảng bá còn hạn chế. Ngoài ra, khâu bảo quản của sản phẩm thanh long cũng chưa được quan tâm, đầu tư.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, thời điểm này giá thanh long giảm mạnh là do thương lái mua thấp để tránh rủi ro (lo ngại ảnh hưởng diễn biến ở biển Đông), hơn nữa giai đoạn này thu hoạch rộ, chi phí vận chuyển ngày càng cao, không phải thị trường nước ngoài không cần. Thực tế Trung Quốc và các thị trường khó tính vẫn rất có nhu cầu nhập khẩu thanh long Việt Nam. Có thể trong thời gian ngắn tới, giá mặt hàng này sẽ bình ổn trở lại.
Về hướng đi trong thời gian tới đối với việc sản xuất thanh long, ông Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao cải thiện được chất lượng sản phẩm làm ra, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để từ đó có thể xuất khẩu qua nhiều nước hơn nữa, tránh lệ thuộc vào một nước nhất định nào đó. Thực tế vẫn có nhiều nước có nhu cầu nhưng đòi hỏi chất lượng cao mà chúng ta chưa đáp ứng. Để làm được điều này thì trước tiên người nông dân cần được nâng cao trình độ sản xuất”.
Cũng theo ông Hòa, các địa phương cần xây dựng đề án sản xuất thanh long theo hướng đầu tư về cây giống, hệ thống thủy lợi, giao thông, điện thắp sáng…
Việc quy hoạch ở từng địa phương không nên chỉ dựa vào điều kiện sinh thái mà cần tập trung vào nghiên cứu thị trường, xem coi cần đối thoại với thị trường nào, cần chất lượng như thế nào, số lượng bao nhiêu… Từ nghiên cứu trên chúng ta sẽ xem lại việc quy hoạch có hợp lý chưa và có kế hoạch điều chỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cũng cần tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư, trưng bày triển lãm để giới thiệu với thị trường thế giới...
Năm 2013, nước ta xuất khẩu khoảng 400.000 tấn thanh long (giá trị khoảng 204 triệu đôla Mỹ). Đến nay, sản lượng xuất khẩu đã tăng 5-10%, giá trị tăng khoảng 25-35% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vùng ĐBSCL, năm nay thời tiết rất thuận lợi cho thanh long phát triển nên năng suất đạt cao, bình quân khoảng 30 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ đạt năng suất khoảng 45 tấn/ha/năm (1 năm thu hoạch 6 đợt).
(Nguồn: Viện Cây ăn quả Miền Nam)
|
Huỳnh Xây (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.