Nhắm mắt trồng liều
Dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu, từ thành phố Tân An chạy về thị trấn Tầm Vu, rồi về các xã như Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh, Long Trì, Thanh Phú Long… (huyện Châu Thành, Long An), mùa này nhìn đâu cũng thấy thanh long. Xen kẽ giữa những ruộng thanh long đã phủ xanh trụ hoặc đã điểm màu đỏ vì trái chín, là những mảng màu trắng của trụ bê tông mới được dựng lên.
Đưa mắt nhìn ruộng thanh long bị phủ xanh bởi lúa rài từ mùa trước còn sót lại, rồi chỉ tay sang mấy thửa ruộng mênh mông bên cạnh, bà Trần Thị Ninh (ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An) giải thích vì sao giá bán thấp mà bà vẫn trồng mới thanh long: Cô cứ nhìn xung quanh xem, ai cũng trồng thanh long hết. Còn lại mình tui thì biết trồng cây gì khác?
Bà Ninh cho biết, phong trào bỏ lúa trồng thanh long tại đây có từ hai, ba năm trước. Lúc đó, do gia đình không sẵn vốn, lại muốn làm lúa để có cái ăn cho người và đàn heo, đàn gà trong nhà, bà quyết định duy trì trồng lúa. Thế nhưng, chỉ được thêm hai vụ sau đó.
Đến vụ đông xuân 2014, mấy chủ ruộng xung quanh bà Ninh quyết định trồng thanh long hết. Còn lại một mình, diện tích ruộng lại nhỏ, chỉ khoảng 3 công đất, bà Ninh không kêu được máy làm đất để xuống giống. Cũng không ai chịu phun thuốc trừ sâu, làm cỏ với đưa máy vô thu hoạch lúa cho bà, thương lái mua lúa cũng vắng bóng vì sản lượng vùng này quá ít. Trễ vụ, bà đành bàn với con trai, đầu tư hơn 35 triệu đồng dựng 300 trụ thanh long.
Cũng theo bà Ninh, nhà chỉ có 3 công đất, giờ trồng thanh long hết, bà phải đi làm công ở mấy cơ sở sơ chế thanh long trong vùng lấy tiền mua gạo. Vì nếu nhanh, thanh long phát triển tốt, cũng phải hơn một năm sau mới cho trái để thu hoạch.
Trong khi đó, bên cạnh ruộng bà Ninh, ruộng ông Phạm Văn Đạt vẫn còn nham nhở cột nằm, cột đứng. Vốn là ông chủ của gần 10 mẫu cao su ở Bình Phước nhưng do hai năm nay, giá mủ rớt thê thảm, liên tục thua lỗ trong khi thanh long lại có giá, ông liền quay về, chuyển đổi thửa ruộng hơn 1,8ha đang trồng lúa sang làm thanh long.
Thế nhưng, chỉ mới dựng trụ, bỏ giống được 1,5ha với khoảng 1.300 trụ, giá thanh long bỗng tụt dốc không phanh, ông Đạt bị gia đình phản đối, đành phải dừng lại.
Đầu tư tiền tỷ với mong muốn “chớp thời cơ”, thế nhưng, giờ nhìn đống trụ còn nằm trên bờ, ruộng thanh long bên dưới thì dở dang, ông Đạt ngao ngán thở dài. Khi được hỏi chuyện giá cả, đầu ra thế nào, ông Đạt cay đắng: “Đằng nào cũng phải chấp nhận thôi, lỡ rồi. Với lại, ai cũng trồng, mình không trồng ruộng cũng bỏ không. Được giá nào, bán giá đó thôi!”.
Anh Nguyễn Tuấn Kiệt, (ngụ thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An) thì cho biết, từ đầu năm đến nay, đường từ Tầm Vu về các xã, xe chở vật liệu xây dựng cho các hộ đúc trụ thanh long chạy tối ngày sáng đêm. Ban đầu, nông dân tới cửa hàng vật liệu còn đòi hỏi sản phẩm loại 1, loại 2, đến nay, các cửa hàng đều hô chỉ có một loại thôi, lấy hay không thì tùy. Nhiều hộ còn mua phải xi măng giả, trụ vừa dựng lên đã ngã đổ không thương tiếc.
Quy hoạch cũng “không ăn thua”
Không chỉ Long An, Tiền Giang, là những địa phương có “truyền thống” trồng thanh long từ nhiều năm nay, những tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… vốn không “họ hàng” gì với cây thanh long, nay diện tích vườn trồng cũng tăng vọt.
Trước nguy cơ phát triển tràn lan này, ngành nông nghiệp các tỉnh đều đã có quy hoạch diện tích thanh long đến năm 2015, 2020. Tuy nhiên, những năm gần đây, do lợi nhuận từ thanh long khá lớn, bà con vẫn ồ ạt trồng mới dẫn tới tình trạng vượt quy hoạch, cung vượt cầu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, cho biết, cuối năm 2013, UBND Long An phê duyệt đề án sản xuất thanh long xuất khẩu của tỉnh đến giai đoạn 2020. Theo đó, diện tích thanh long tập trung sẽ đạt khoảng 5.000ha.
Tuy nhiên, do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng thanh long hiệu quả cao nên diện tích không chỉ dừng lại ở huyện Châu Thành như quy hoạch mà còn lan nhanh tới các địa phương khác như huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Tân An… Mới đây, tỉnh này đã phải điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, diện tích thanh long tăng gấp đôi, đạt mức 10.000ha.
Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cũng cho biết, là một trong ba trái cây chủ lực của tỉnh (gồm xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp và thanh long Chợ Gạo) nhưng diện tích thanh long của Tiền Giang liên tục tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Trong khi quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích thanh long Chợ Gạo ở mức 4.500ha thì đến tháng 6.2014 đã đạt mức 4.200ha.
Ông Hóa cho rằng, do chưa có chế tài để xử lý những trường hợp vượt quy hoạch nên nhiều địa phương loay hoay trong cách xử lý. Hơn nữa, chỉ có cơ chế, chính sách hấp dẫn mới điều chỉnh được hành vi của nông dân. Do đó, chỉ còn cách gắn quy hoạch của ngành với doanh nghiệp, dùng hợp đồng bao tiêu đảm bảo có đầu ra ổn định cho sản phẩm để khuyến khích, khuyến cáo bà con.
Ông Hóa cũng cho biết, biện pháp của Tiền Giang hiện nay là cố gắng rải vụ và tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm này. Tiền Giang cũng đang điều chỉnh lại quy hoạch vùng thanh long theo hướng nhu cầu tiêu thụ của thị trường là chính. Đầu năm 2015 sẽ có tổng kết đánh giá, sau đó, tiếp tục phát triển thanh long theo hướng chất lượng, không chú trọng về số lượng.
PGS.TS.Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng thừa nhận rằng, hiện có gần 50% diện tích thanh long được trồng trên địa hình đất trũng thấp, mực thủy cấp nông, khó thoát nước vào mùa mưa lũ. Thiết kế ruộng không có hệ thống thoát úng, không phù hợp với đặc điểm của cây thanh long làm cho cây phát triển kém, chống chịu với sâu bệnh yếu, chất lượng và năng suất trái thấp.
Đặc biệt, hiện nay cây thanh long đã tràn về vùng phèn Đồng Tháp Mười, là vùng chưa được nghiên cứu tính thích nghi và tính chống chịu phèn và úng của thanh long, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường
Thuận Hải (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.