Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?

Đức Cường Thứ sáu, ngày 09/02/2024 06:01 AM (GMT+7)
Mùa xuân này, trên những vùng núi đá ven biển của tỉnh Ninh Thuận đã phủ xanh một màu cây thanh thất. Loài cây đặc biệt-thứ cây bản địa này chịu hạn tốt, không bị gia súc cắn phá và có sức chống chịu tốt với nắng hạn tại vùng đất nắng gió này.
Bình luận 0

Cây xanh trên núi đá ở Ninh Thuận

Trong tiết trời nắng ấm của ngày đầu xuân mới 2024, PV Dân Việt có dịp trở lại huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm 30km về phía Nam.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 1.

Cây thanh thất cao gần 5 mét phủ xanh núi đá ven biển ở huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Đ.S

Dọc tuyến đường ven biển từ TP. Phan Rang – Tháp Chàm đến làng chài Sơn Hải, Cà Ná (huyện Thuận Nam), chúng tôi được chiêm ngắm cảnh đẹp của biển cả mênh mông, khí trời vào xuân mát rượi trong gió biển. Trên những vạt rừng núi đá chồng lên đá giờ đây là một màu xanh ngắt của loài cây thanh thất.

Dừng chân tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam), chúng tôi được anh Nguyễn Sỹ Khuynh - Kỹ thuật viên Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam dẫn băng núi đá để mục sở thị rừng cây thanh thất.

Theo anh Khuynh, thời điểm này tiết trời vào xuân nên cây thanh thất cũng đơm hoa, nảy lộc xanh mướt cả góc rừng.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 2.

Nhân viên Ban quản lý rừng ven biển Thuận Nam thường xuyên bám địa bàn, theo dõi sự phát triển của cây Thanh thất. Ảnh: Đ.S

Càng vào sâu Tiểu khu 200c (thuộc địa bàn xã Phước Minh) càng có nhiều núi đá, đất đai khô cằn nhưng những thân cây thanh thất vẫn vươn mình giữa nắng. Phóng tầm mắt ra xa, từng lớp lớp thanh thất mọc thẳng tắp mọc trên đá hệt như dải lụa xanh uốn mình dưới nắng xuân.

Anh Khuynh cho biết, gần 10 năm trước việc phát triển rừng ở lâm phần do đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn do địa hình và thời tiết nắng hạn. Việc trồng các loại cây rừng thường bị gia súc chăn thả của người dân địa phương cắn phá nên không hiệu quả.

Thực tế chứng minh, từ năm 2015 ban quản lý rừng ven biển Thuận Nam đã trồng thí điểm cây thanh thất hỗn giao với cây căm liên, cà chí với diện tích 10 ha. Sau một năm theo dõi, trong 3 loại cây trên chỉ còn duy nhất cây thanh thất sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dê, cừu cắn phá.

"Từ đó đến nay, loài cây này trở thành cây phủ xanh đồi núi đá ở các địa phương ven biển từ Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc ở tỉnh Ninh Thuận….", anh Khuynh cho hay.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 3.

Cây thanh thất chịu hạn cực tốt, gia súc không cắn phá nên rất thích hợp để phủ xanh núi đá ven biển. Ảnh: Đức Cường

Đứng dưới rừng thanh thất 8 năm tuổi mọc đều thẳng tắp trên nền đất đá, anh Khuynh cho hay, cây thanh thất là loài cây bản địa chống chịu với hạn rất tốt. Cây có thân gỗ lớn, thường mọc thẳng đứng. Lá cây thanh thất mọc cách, đơn hay kép hình lông chim một lần, không có lá kèm. Đặc biệt, gỗ thanh thất có giá trị không cao, lại không bị gia súc căn phá nên ít bị tác động từ đó phát triển rất nhanh.

"Với những kết quả tích cực như trên, đến nay đơn vị đã nhân rộng trồng rừng từ cây thanh thất lên gần 600ha. "Khoảng 5 - 10 năm tới, những cánh rừng Thanh thất sẽ phủ xanh các cánh rừng núi đá ven biển, góp phần cải thiện môi trường và tăng độ che phủ rừng trên toàn tỉnh…", anh Khuynh cho hay.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 4.

Cây thanh thất được trồng dày giữa các hóc núi đá vẫn sinh trưởng bình thường. Ảnh: Đ.S

Phủ xanh những cánh rừng Núi Chúa

Chia tay những cánh rừng thanh thất ở núi đá Thuận Nam, chúng tôi lại ngược về Vườn Quốc gia Núi Chúa ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Đây cũng là khu vực rừng núi đá khô hạn với hệ động thực vật phong phú được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2021.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 5.

Hàng cây thanh thất xanh mát được trồng dọc lối vào công viên đá ở Vườn Quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Đức Cường

Tại đây, ngoài thảo nguyên cây gai đặc trưng thì Núi Chúa nay còn được che phủ bởi một màu xanh cây thanh thất.

Từ đầu khu vực rừng ở thôn Đá Hang trải dài xuống mép biển ở Núi Chúa là một màu xanh thẳm của cây thanh thất. Loài cây này cũng được Vườn Quốc gia Núi Chúa "chọn mặt gửi vàng" khi được trồng làm cảnh trang trí dọc tuyến đường trung tâm từ tỉnh lộ 702 dẫn vào công viên đá.

Anh Nguyễn Văn Hùng - Nhân viên phòng bảo tồn tài nguyên rừng và biển Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, cây thanh thất bén rễ ở Núi Chúa vào năm 2016 – 2017, nhờ đặc tính chịu hạn tốt, ít bị gia súc gây hại nên thanh thất sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

"Đến nay, toàn lâm phần rừng do đơn vị quản lý đã phủ xanh hơn 200ha cây thanh thất. Định kỳ mỗi tuần, chúng tôi đều phối hợp với cán bộ kiểm lâm để tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời nhân thêm giống cây rừng, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học ở Núi Chúa…", anh Hùng cho hay.

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 6.

Tổ tự quản bảo vệ rừng thôn Đá Hang tuần tra kết hợp chăm sóc cây thanh thất mới trồng. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Trần Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích trồng rừng bằng loài cây thanh thất là hơn 1.300 ha. 

Trong đó diện tích trồng rừng thuộc Chương trình trồng rừng thay thế là hơn 460 ha, diện tích thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững hơn 210 ha, diện tích thuộc Dự án JICA2 tỉnh là 417 ha và diện tích thuộc Dự án SP-RCC tỉnh là 216 ha.

Cây thanh thất đã có mặt ở hầu hết các cánh rừng ở Ninh Thuận, đặc biệt là rừng núi đá ven biển trải dài từ huyện Thuận Nam đến Núi Chúa ở huyện Ninh Hải, Thuận Bắc.

"Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thí điểm thực hiện mô hình trồng rừng phòng hộ loài cây thanh thất kết hợp trồng cây mãng cầu (trái na). Đây là mô hình mới đáp ứng 4 mục tiêu phát triển rừng theo hướng bền vững gồm: Trồng rừng phủ xanh, chống sa mạc hóa kết hợp trồng cây mãng cầu phát triển kinh tế gia đình...", ông Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, trồng rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, kết hợp trồng cây mãng cầu xóa đói giảm nghèo, đã cao nhận thức của người dân vì thực tế cho thấy mô hình này ổn định sản xuất nông nghiệp...

Thanh thất là cây gì mà chịu hạn cực tốt, trồng ở vùng núi đá khô cằn ở Ninh Thuận vẫn xanh tươi?- Ảnh 7.

Tỉnh Ninh Thuận nhận định cây thanh thất là cây trồng phù hợp để nhân rộng nhằm phủ xanh đồi núi kho hạn ven biển. Ảnh: Đ. S

Cây thanh thất có tên khoa học là Ailanthus triphysa (Dennst), thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Là loài cây gỗ lớn, cao tới 30m, đạt tới 1,2m về đường kính, thân tròn thẳng, phân cành cao.

Vỏ cây thanh thất màu xám nâu, có mùi hắc. Lá kép lông chim 1 lần lẻ, dài từ 50-100cm, thường tập trung ở đầu cành. Cuống lá màu nâu hồng phủ lông mềm, rải rác đốm nâu nhạt. Phiến lá hình trứng ngọn giáo, đầu nhọn dần, đuôi lệch, dài 7-12cm, rộng từ 2-4,5cm, mép nguyên, nách gân lá phía gốc có 1 túm lông nhỏ. Cuống lá chét dài 0,5-1cm. Lá rụng có màu đỏ.

Hoa tự hình chùm viên chuỳ ở đầu cành hay nách lá. Hoa tạp tính, đài hợp gốc, phía ngoài phủ lông. Quả kín có cánh, dài 5,5cm, rộng 1,7cm. Cuống dài 2cm. Rụng lá vào mùa khô.

Cây thanh thất là cây ưa sáng thường mọc ở ven rừng hoặc chỗ trống. Cây có khả năng chịu hạn tốt. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, phân bố ở độ cao từ 60 - 1.500m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm 27 độ C, lượng mưa trung bình năm 1.920 mm. Thích hợp với đất pha cát, thoát nước tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem