“Thành tích của Campuchia tại SEA Games 32 khá “ảo” vì nhập tịch nhiều VĐV”

Long Nguyên Thứ tư, ngày 17/05/2023 13:10 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, nhà báo Nguyễn Lưu cho biết, dù giành được rất nhiều HCV tại SEA Games 32, nhưng thành công của đoàn thể thao Campuchia đến từ nhiều cách không thực sự fair-play, trong đó có việc nhập tịch nhiều VĐV.
Bình luận 0

Campuchia nhập tịch quá nhiều VĐV chỉ là "ăn xổi"

Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Campuchia giành 81 HCV, 74 HCB, 127 HCĐ và xếp thứ 4 chung cuộc. Nếu so với SEA Games 31, khi họ chỉ giành 9 HCV thì rõ ràng, đó là bước đại nhảy vọt về thành tích.

Mặc dù vậy, đây không phải lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử SEA Games. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT, nguyên trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 22) cho biết, ở SEA Games 27 năm 2013, Myanmar là  chủ nhà đã tìm rất nhiều cách để giành HCV và họ đã thành công, có thành tích vượt trội so với SEA Games 26 để giành vị trí nhì toàn đoàn khi có 86 HCV. Nhưng đến SEA Games 28 ở Singapore 2 năm sau, Myanmar lại "hiện nguyên hình" với sự thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực và chỉ xếp thứ 7 với 12 HCV.

“Thành tích của Campuchia khá “ảo” vì nhập tịch nhiều VĐV” - Ảnh 1.

Đưa nội dung chưa từng có và hạn chế các đội mạnh thi đấu là một trong những cách để giành HCV của Campuchia tại SEA Games 32. Ảnh: SEA Games 32

Ở SEA Games 32, Campuchia đã tận dụng tối đa vai trò của nước chủ nhà để giành nhiều HCV. Thậm chí, lãnh đạo đoàn thể thao Campuchia còn tuyên bố trước khi SEA Games 32 diễn ra rằng mục tiêu của họ là đoạt hơn 100 HCV.

Tại SEA Games 32, có tới 583 nội dung tranh tài được đưa vào. Con số này thậm chí nhiều hơn gấp đôi nội dung so với Olympic 2020. Trong đó, Campuchia đưa nhiều nội dung từ các môn thể thao truyền thống của họ như Cờ ốc, Kun Khmer, Kun Bokator vào thi đấu. Với nhiều quốc gia chỉ  có rất ít thời gian tập luyện, làm quen với luạt để tranh tài, không khó hiểu khi Campuchia có nhiều ngôi quán quân.

Ngoài ra, Campuchia cũng tìm cách hạn chế sức mạnh của đối thủ. Các VĐV của họ được dự 100% nội dung của các môn thể thao trong khi các quốc gia khác chỉ được thi đấu tối đa tại 70% các nội dung. Bên cạnh đó, Campuchia loại bỏ nhiều nội dung là thế mạnh của các đoàn thể thao khác hoặc ghép các nội dung lại để hạn chế số HCV mà họ khó có hy vọng cạnh tranh.

Điển hình của việc "điều chỉnh" nội dung là Campuchia đưa nội dung chưa từng có trên thế giới lẫn SEA Games là đồng đội hỗn hợp môn cầu lông vào thi đấu. Chưa dừng lại ở đây,  Campuchia không cho Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia tham dự. Chơi với những đối thủ vừa tầm đến từ Lào, Brunei, Timor Leste, Myanmar, cầu lông Campuchia đã lần đầu tiên trong lịch sử giành HCV SEA Games.

Một trong những cách để thể thao Campuchia nhanh chóng tăng cường sức mạnh và giành  HCV là nhập tịch rất nhiều VĐV được coi là có "gốc gác" Campuchia. Đội bóng rổ 3x3 của Campuchia với 3 cầu thủ nhập tịch là Brandon Peterson, Darrin Ray Dorsey và Sayeed Alcabia, Pridgett đã thi đấu đạt mức "out trình", đánh bại cả đội rất mạnh là Philippines để giành HCV. Nhiều khán giả còn ví von, các cầu thù này giống "lính đánh thuê" đến từ giải bóng rổ Mỹ NBA hơn là người Campuchia.

“Thành tích của Campuchia khá “ảo” vì nhập tịch nhiều VĐV” - Ảnh 2.

Campuchia dùng nhiều VĐV nhập tịch môn bóng rổ và lập tức có thành tích cao. Ảnh: SEA Games 32

Ngoài ra, Campuchia có VĐV 3 môn phối hợp Margon Garabedian gốc Pháp. Sự thay đổi lực lượng này khiến VĐV Kim Manggrobang, VĐV người Philippines mất HCV sau 3 lần liên tiếp lên ngôi hậu.

Với môn cricket, Campuchia sử dụng nhiều VĐV gốc Ấn Độ. Kết quả là họ giành HCV sau khi đánh bại Malaysia ở trận chung kết.

Đánh giá về việc Campuchia nhập tịch VĐV ồ ạt để thi đấu tại SEA Games 32, nhà báo Nguyễn Lưu cho biết: "Việc nhập tịch nhiều VĐV đã có tác động đáng kể về thành tích của thể thao Campuchia tại SEA Games 32. Mục tiêu của họ là giành càng nhiều HCV càng tốt khi là chủ nhà đã được phần lớn VĐV nhập tịch đáp ứng.

Tuy vậy, người hâm mộ Campuchia không thực sự hào hứng với điều này. Họ cho rằng, các VĐV nhập tịch thi đấu vì tiền chứ không mang tính cống hiến cho màu cờ, sắc áo đất nước mà họ đại diện để tranh tài.

Bên cạnh đó, điều này hạn chế cơ hội của các VĐV nội. Họ sẽ giảm sút động lực phấn đấu do bị VĐV nhập tịch lấy mất suất thi đấu. Đến SEA Games sau, khi Campuchia không còn là chủ nhà, các VĐV nhập tịch chưa chắc đã lại thi đấu. Chính vì vậy, thành tích của Campuchia tại SEA Games 32 khá "ảo" so với năng lực thực sự của họ".

Chia sẻ thêm về điều này, nhà báo Nguyễn Lưu phân tích: "Tại SEA Games 32, VĐV gốc Pháp của Campuchia là Sokha Michael Chomond sau khi không giành  HCV môn triathlon đã "tố" rằng Campuchia không trả tiền thuê mình thi đấu. Dù chưa biết câu chuyện này ai đúng, ai sai, nhưng rõ ràng đó là bằng chứng cho thấy sự thực dụng của các VĐV nhập tịch.

“Thành tích của Campuchia khá “ảo” vì nhập tịch nhiều VĐV” - Ảnh 3.

Bou Samnang, VĐV bản địa được khen ngợi dù về đích cuối cùng nội dung chạy 5.000m nữ. Ảnh: Olympics

Ở chiều ngược lại, dù chỉ về cuối ở  nội dung chạy 5.000m nữ, nhưng VĐV Bou Samnang vẫn nhận được rất nhiều lời khen khi nỗ lực đến cùng và quyết tâm không bỏ cuộc. Câu chuyện này cũng được truyền thông quốc tế đăng tải và đánh giá rất cao.

Nhập tịch VĐV là điều quá phổ biến trên thế giới hiện nay, nhưng nhập tịch quá mức lại khiến phong trào tập luyện, thi đấu bị ảnh hưởng. Đó chính là điều lợi bất cập hại của thể thao Campuchia khi họ quyết tâm giành nhiều HCV tại SEA Games 32 đến mức sẵn sàng áp dụng quá nhiều biện pháp không thực sự fair-play". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem