Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại.
Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại.
"Hiện nay, ngành y tế đã có khoảng hơn 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, mang lại nhiều tiện ích (như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt), giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, giảm phiền hà, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh"- Bộ trưởng nói.
Theo PGS – TS Trần Qúy Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng…trung bình mất khoảng 30 phút. Nếu bệnh nhân đông thì thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn.
Do đó, nếu áp dụng thanh toán điện tử trong chi trả viện phí sẽ giảm mạnh thời gian chờ đợi của người bệnh, cũng tránh được việc bệnh nhân và người nhà mang tiền mặt trong người dễ mất mát, bệnh viện không lo nhầm lẫn. Nhiều bệnh viện đã áp dụng cách thanh toán này và cho kết quả tốt.
Cụ thể như Bệnh viện trường Đại học Y Dược TP HCM, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi. Hiện khoảng 35% bệnh nhân tại bệnh viện này đã thanh toán viện phí qua thẻ.
"Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. Không phải chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; Không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; Người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán" - PGS Tường cho biết.
Theo PGS Tường, việc thanh toán viện phí bằng thẻ điện tử cho dù có nhiều lợi thế nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Vì người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán. Chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Đi viện không cần mang tiền mặt.
Các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn;
Phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.