Thành triệu phú Khmer từ 1,5 công đất

Chúc Ly - Nhật Dương Thứ bảy, ngày 02/04/2016 18:30 PM (GMT+7)
Đến ấp 7, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) hỏi ông Danh Bình ai cũng biết, bởi ông nổi tiếng khắp vùng là một nông dân người dân tộc chịu thương chịu khó. Nhờ tính cần cù và năng động trong sản xuất, mỗi năm ông Bình thu lãi trên 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Quyết tâm làm giàu từ 1,5 công đất

Nhớ lại những ngày tháng gian khó, ông Danh Bình chia sẻ: “Dù bây giờ có của ăn của để nhưng tôi không thể quên những ngày cơ cực mà mình từng nếm trải. Cách đây trên 20 năm, sau khi lập gia đình, tôi được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng (1.500m2) để sản xuất, mưu sinh. Lúc đó, vùng này các hệ thống tưới tiêu, kênh nội đồng chưa được hoàn thiện như bây giờ, nên năng suất lúa khá thấp, một năm chỉ canh tác 1-2 vụ, làm không đủ ăn”.

img Ông Bình kiểm tra máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho vụ gặt lúa sắp tới. Ảnh: Nhật Dương

Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng ông quyết định đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. “Lúc đó còn trẻ nên sung sức dữ lắm, ai mướn gì tôi cũng làm, từ đào đất, vác lúa, làm hồ… Vì chịu khó, không sợ cực nên sau nhiều năm tích góp tôi cũng để dành được chút vốn rồi bàn với vợ nuôi lợn thịt” – ông Bình cho hay.

  Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông Danh Bình còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương, trung bình mỗi lao động thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. 

Lúc đầu, ông nuôi khoảng 5 con lợn thịt, với khoảng 4 tháng nuôi sau khi trừ chi phí lãi trên 1 triệu đồng/con. Có thu nhập là vậy, nhưng gia đình ông khá tiết kiệm trong việc chi tiêu, nên mỗi năm đều mua thêm được một công đất để sản xuất. Từ đó, số ruộng đất của gia đình ông cũng dần dần nhiều hơn.

Triệu phú Khmer

Có được vốn sau bao năm vất vả, với mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, năm 2013, ông Bình mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng để làm dịch vụ gặt lúa thuê. Không dừng lại ở đó, năm 2014 ông mua thêm một chiếc nữa với giá gần 700 triệu đồng.

Theo ông Bình, năm 2015, từ hai máy gặt đập liên hợp ông không chỉ gặt lúa thuê cho các hộ ở xã Vị Tân, mà còn sang các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… mỗi năm có thể gặt thuê khoảng 1.500 công đất. “Có máy gặt đập thì đòi hỏi mình phải chịu khó đi nhiều nơi để tìm mối nên nhiều khi tôi đi mười bữa, nửa tháng mới về nhà một lần. 15 công lúa ở nhà vợ tôi trông coi, nhưng khi có bệnh thì tôi phải về phun thuốc. Ngoài ra, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi lợn thịt, để tăng thêm thu nhập” - ông Bình bộc bạch.

Theo ông Bình, việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn thì có nhiều cách, nhưng chủ yếu là mình phải có sự cố gắng và kiên trì. Đến nay, ông đã có 15 công đất, hai máy gặt đập liên hợp, ngoài ra, hàng năm còn nuôi trên 100 con lợn thịt... trừ chi phí, lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Lẹ-cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Vị Tân, nhận xét: “Ông Danh Bình là một trong những hộ Khmer trên địa bàn xã chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất. Cách làm giàu của ông rất đáng để nhiều người dân trong xã học hỏi, làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình, cách thức làm ăn hay, hiệu quả, để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần, đời sống người dân phát triển”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem