Bên cạnh những thành quả kinh tế tập thể mang lại trong thời gian qua, hầu như ai cũng nhận thấy hoạt động yếu kém của đại đa số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn hiện nay. Điều đó thể hiện rất rõ qua con số thống kê hằng năm của Liên minh HTX.
Còn nhiều "nút thắt"
Toàn tỉnh có 161 HTX, riêng 6 tháng đầu năm 2017 thành lập mới 18 HTX, nhưng giải thể 95 HTX. Trong đó có một số HTX bắt buộc phải giải thể vì hoạt động kém hiệu quả, sai luật.
Xã viên HTX Kinh Dớn, ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời phấn khởi vì giá lúa hè thu năm nay được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết: “Hoạt động của HTX có 3 cái khó. Về khách quan là do hiện nay lực lượng làm công tác này còn thiếu khoảng 1/3 biên chế; các chủ trương hỗ trợ cũng khá nhiều nhưng việc hiện thực hoá, hỗ trợ những chính sách này vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Về xúc tiến thương mại, vốn vay vẫn chưa được tiếp cận. Nhưng khó nhất chính là chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý, điều hành của HTX còn hạn chế”.
Thật vậy, hầu hết ban điều hành HTX đều là người lớn tuổi, trình độ tiếp cận những thông tin từ thị trường chậm, vấn đề tạo liên kết, đầu ra với các doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực điều hành chỉ ở mức độ nhất định.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phạm Thanh Hải trăn trở: “Để vực dậy kinh tế tập thể phải cải tổ lại bộ máy hoạt động của HTX, kêu gọi trí thức trẻ với những chế độ đãi ngộ phù hợp. Đây là lực lượng có thể tiếp cận công nghệ thông tin, nắm bắt thị trường”.
Cũng theo ông Sơ, đa phần các HTX được thành lập do nhu cầu người dân thấy cần thiết phải liên kết lại với nhau để cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau thời gian đi vào hoạt động phát sinh nhiều vấn đề ngoài “tầm với”, ngoài năng lực, trình độ. Đây cũng là lý do khiến nhiều HTX phải giải thể.
Tìm giải pháp gỡ khó
Một HTX được xem là hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là HTX Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Được thành lập hồi tháng 9/2014, chỉ có 27 thành viên với diện tích 49,5 ha, đến nay HTX đã thu hút 47 thành viên với 72 ha. Lợi nhuận mỗi thành viên thu về từ 20-30 triệu đồng/năm.
Giám đốc HTX Kinh Dớn Nguyễn Trường Đời cho biết: "Ban đầu gia đình chỉ có 5 công đất ruộng, khi được khi thất, mỗi năm đến vụ thu hoạch là chạy đôn chạy đáo đi kiếm thương lái, nhưng họ đều không chịu thu mua vì lúa ít quá, chi phí đi lại tốn kém. Thấy vậy, tôi rủ thêm vài người trong xóm hùn lại để bán lúa chung cho thương lái. Rồi từ đó, ý tưởng thành lập HTX nhen nhóm trong đầu, lần mò tìm công ty thu mua lúa gạo ở Cà Mau rồi đến nhiều nơi để ký kết hợp đồng. May mắn mỉm cười với chúng tôi, HTX đã thành công với việc ký kết bao tiêu lúa giống RVT cho năng suất khá cao và đầu ra đảm bảo. Cụ thể như vụ hè thu năm nay, tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với giá 5.700 đồng/kg lúa tươi".
Ông Đời cười khoe: “Bây giờ nông dân ở đây đâu còn sợ thương lái ép giá nữa. Giá lúa hiện giờ đang xuống còn 5.400 đồng/kg lúa tươi, nhưng xã viên đều bán được với giá 5.700 đồng”.
Nhờ chịu khó nắm bắt cơ hội, đến nay HTX đã mở ra nhiều dịch vụ: kinh doanh phân bón, giống, thu mua bao tiêu lúa của bà con ngoài HTX. HTX còn mở thêm dịch vụ vận chuyển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 30 xã viên.
Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Đời cho rằng: “Cũng nhờ con trai tôi lên mạng xem tình hình kinh tế thị trường thế nào mới biết mà kinh doanh này nọ với người ta, chứ già cả rồi có biết mạng internet là thế nào đâu. HTX hiện nay cũng chưa có kế toán, phải nhờ kế toán của UBND xã trợ giúp”.
Theo ông Đời, để HTX hoạt động hiệu quả và duy trì lâu dài, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin với xã viên, để xã viên thấy được lợi ích, trách nhiệm của mình khi tham gia HTX và để họ tự nguyện gia nhập. Ngoài ra, bản thân mỗi người trong hội đồng quản trị phải không ngừng cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết, trình độ để tuyên truyền, vận động người dân, phát triển HTX.
Ông Đỗ Văn Sơ trần tình: “Thật ra cái khó của HTX chúng tôi đã nhìn thấy, nhưng để gỡ khó không phải chuyện một sớm một chiều. Đã qua, cũng đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nhưng nhìn chung chưa đem lại hiệu quả cao. Thiết nghĩ, cần phải “mềm hoá” các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX vươn lên”./.
Hồng Nhung (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.