Thất đức khi nhập và bán thuốc ung thư kém chất lượng?

Thứ bảy, ngày 02/09/2017 10:03 AM (GMT+7)
Với giọng đặc sệt Nam bộ, bà nói: “Có làm ác cũng vừa thôi, bệnh nhân ung thư 9 phần chết 1 phần sống, vậy mà không chữa cho người ta hết bệnh, đàng này còn nhập thuốc dỏm về cho uống”.
Bình luận 0

Sáng 28.8, ngồi chờ chụp phim tại khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà Nga, 62 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, thốt lên: “Nhập thuốc ung thư kém chất lượng còn thất đức nào hơn?”, khi nghe tôi hỏi chuyện vụ xử một công ty nhập thuốc ung thư kém chất lượng diễn ra hồi tuần qua.

img

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: H.H

Bà Nga, được phát hiện ung thư đại tràng hồi tháng qua, cho biết mình không hề quan tâm đến chuyện thời sự, nhưng từ ngày phát bệnh, con cháu đọc báo, nghe đài  nói lại cho bà, bà mới biết chuyện.

Với giọng đặc sệt Nam bộ, bà nói: “Có làm ác cũng vừa thôi, bệnh nhân ung thư 9 phần chết 1 phần sống, vậy mà không chữa cho người ta hết bệnh, đàng này còn nhập thuốc dỏm về cho uống”.

Không chỉ bà Nga, có lẽ mọi bệnh nhân ung thư đều quan tâm đến vụ xử công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư kém chất lượng H-Capita, dù nó khép lại cuối tuần qua và toà sơ thẩm cũng đã ra bản án dành cho những người liên quan.

Ngồi trên ghế đá ngoài sân bệnh viện để chờ đến lượt siêu âm tuyến giáp, anh Xuân, đến từ Vĩnh Long, bị ung thư vòm họng, tỏ vẻ rành chuyện hơn: “Tôi không hiểu sao toà chỉ xử những người này tội buôn lậu mà không phải tội nhập thuốc ung thư kém chất lượng? Trên mạng người ta cũng cãi nhau quá trời, theo tôi nhập thuốc dỏm là rõ quá rồi”.

Như anh Xuân, phần lớn giới chuyên môn khẳng định đây là hành vi nhập thuốc kém chất lượng. Trong căn phòng làm việc nhỏ trên lầu 1 gần khoa xạ trị, DS.CK2 Nguyễn Văn Vĩnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết khó gọi thuốc này là thuốc thật vì hoạt chất thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, chưa kể tờ hướng dẫn sử dụng, hình thức trình bày vỉ thuốc và hộp thuốc sai với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu.

Nhưng quanh vụ án này, người ta không chỉ tranh cãi chuyện buôn lậu hay buôn thuốc kém chất lượng, mà còn cả chuyện nhận hoa hồng của bác sĩ. Bác sĩ K., công tác tại bệnh viện quận 8, TP.HCM nói: “Nhận hoa hồng hãng dược để kê thuốc cho bệnh nhân là thất đức, nhưng trong vụ này nếu nói bác sĩ nhận tiền để kê toa thuốc ung thư kém chất lượng là sai, vì thuốc đã được duyệt sử dụng rồi, bác sĩ không thể biết được đây là thuốc kém chất lượng”.

Theo một bác sĩ làm việc nhiều năm trong lĩnh vực ung thư, thuốc ung thư hiện là một trong những mặt hàng kinh doanh dễ dàng và có lãi nhất. Đơn giản vì người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều; và mắc bệnh này thì giàu, nghèo gì cũng cố chữa, dù có bán nhà cửa hay cầm cố tài sàn.

Một báo cáo công bố hồi tháng 5.2015 được tạp chí Forbes trích dẫn cho thấy thị trường thuốc ung thư toàn cầu đã chạm mức 100 tỉ USD hàng năm và có thể đạt đến 147 tỉ USD trước năm 2018.

Doanh thu nhiều, nên bác sĩ này cho biết các hãng dược ra sức cạnh tranh nhau thông qua chi hoa hồng cho bác sĩ bằng nhiều hình thức, phổ biến nhất là tài trợ dự hội nghị nước ngoài, nhưng chủ yếu là du lịch và mua sắm bằng tiền công ty.

Nhưng đừng tưởng chỉ có ngành y tế Việt Nam lùm xùm về các thuốc ung thư. Tháng 4 năm nay, hai giáo sư y khoa Tây Ban Nha của đại học Balearic Islands đã bị kết án khi quảng cáo thuốc chữa ung thư dỏm (không khác gì giả dược) trên mạng xã hội và trong những chiến dịch quảng bá sản phẩm.

Trước đó một năm, tại TP Chicago (Mỹ) một chuyên gia ung thư cũng bị phát hiện bán “thuốc ung thư dỏm” (giả nhãn hiệu và không được cho phép lưu hành sử dụng) trong suốt thời gian từ 2008 – 2012.

Bác sĩ N., làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HC+M, nói: “Lĩnh vực điều trị nào cũng có thuốc kém chất lượng, nhưng đây là lần đầu tiên có vụ việc về thuốc ung thư kém chất lượng. Đây là loại bệnh nhạy cảm, nên sự căm phẫn của xã hội là cũng đúng.Qua vụ việc này, ngành chức năng cần tăng cường vai trò quản lý, vì bệnh nhân ung thư phải tốn tiền rất nhiều để chữa bệnh rồi, nay còn xài phải thuốc giả thì quá đau khổ”.

Theo DS Vĩnh, bệnh viện Ung bướu TP.HCM chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của công ty VN Pharma, vì thuốc đã bị niêm phong và bắt giữ trước khi đưa ra thị trường, cho dù VN Pharma đã trúng thầu sở Y tế TP.HCM. Cũng may mắn cho biết bao bệnh nhân vì nếu không thì lâm cảnh “tiền mất tật mang”.

Nhưng nếu nói sòng phẳng, ngoài thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm được quảng bá “hỗ trợ điều trị” ung thư, nhưng thực hư hiệu quả và chất lượng thế nào thì có trời mà biết.

Tháng 4 qua, cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc men Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo 187 loại sản phẩm chữa ung thư dỏm mà người bệnh cần tránh, phần lớn số này là… thực phẩm chức năng.

Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem