Dù không phải là loài cá đặc hữu của vùng sông nước miền Tây, nhưng cá lăng lại sống nhiều trên các con sông lớn. Riêng ở hai dòng Hậu Giang và Tiền Giang nhiều lần người dân quê bắt được cá lăng, cá dồ, cá tra dầu lớn.
Cùng họ với cá chốt, cá dồ, ... nhưng dân gian còn cho rằng thịt cá lăng dai hơn, ngọt hơn. Ai đã từng thưởng thức qua nhiều lần mới có thể phân biệt được đặc trưng riêng của từng loại.
Món cá lăng sông kho gừng.
Cá lăng thân hình thon dài, da không vảy, màu nâu xám, trơn nhớt, đầu dẹp có bốn đôi râu, mắt nhỏ, vây đuôi xòe màu đỏ, vây lưng dài. Cá lăng có đủ kích cỡ, con nhỏ thường bằng cổ tay người lớn, con to đến vài chục ký. Để săn bắt cá lăng, người dân thường dùng lưới giăng, cũng có khi dùng câu để nhử, bắt cá.
Trong mùa nước lũ, người miền quê bắt được con cá lăng thường hay đem nấu canh chua và làm món cá lăng sông kho gừng để cải thiện bữa ăn.
Cá lăng tươi bắt được đem về làm thật sạch nhớt bằng tro bếp hoặc nước ấm, cạo rửa rồi cắt khúc. Phần đầu và đuôi được dùng nấu bát canh chua cơm mẻ với cọng bông súng, hay bông điên điển, đậu bắp, rau nhút, ... Những khúc giữa nạc hơn thì đem làm món cá lăng sông kho gừng. Cá phải ướp với nước mắm ngon và thêm ít bột ngọt cho thấm. Bắc nồi đất lên kho, để lửa nhỏ, thịt cá săn lại, nước sền sệt, đặc quánh màu vàng ươm là đủ ngon rồi. Lúc ấy mới cho gừng đã xắt chỉ vào. Khi mùi thơm lan tỏa ngào ngạt, nhắc nồi xuống, rắc thêm lá gừng non xắt nhỏ để tăng thêm hương vị.
Cá lăng nấu canh chua.
Bên nồi cơm gạo mới, tô canh cá chua nóng và nồi cá lăng kho gừng thơm lựng, giúp cho người dân quê được no lòng sau một ngày đồng áng vất vả.
Ngày nay, các loài cá trong tự nhiên ngày một cạn và hiếm. Vì thế để có được bữa cơm chanh chua cá lăng và món cá lăng sông kho gừng thì quả là điều may mắn và thú vị khi bạn có dịp đến với miền quê sông nước, cùng ở cùng ăn với người dân miệt Cửu Long này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.