TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Internet)
Ngày 23.2, Cơ quan CSĐT của Bộ công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và ông Trương Minh Tuấn, Phó Ban tuyên giáo, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, vì những sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Những sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được xác định xảy ra khi ông Nguyễn Bắc Son đang là Bộ trưởng Bộ TTTT, ông Trương Minh Tuấn là Thứ trưởng Bộ TTTT.
Về việc hai cựu Bộ trưởng là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố liên quan tới sai phạm thương vụ Mobifone mua 95% AVG, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, xung quanh vấn đề này.
Quyền và tài sản của Nhà nước rơi vào tay người vô trách nhiệm
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố do vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG?
MobiFone là một DNNN lớn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) quản lý nên những sai phạm có thể nói là rất nghiêm trọng của MobiFone trong việc mua lại AVG, suýt gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng có phần trách nhiệm của lãnh đạo Bộ TTTT, thậm chí là trách nhiệm chính.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone-AVG
Theo đó, việc khởi tố, bắt giam hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT (ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn) là việc làm cần thiết và đúng pháp luật nhằm mục tiêu xử lý kiên quyết và triệt để các sai phạm đã diễn ra. Đây là một vụ án tham nhũng lớn, điển hình.
Việc khởi tố hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn không chỉ một lần nữa khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm mà còn là điển hình cho những vụ án chống tham nhũng tiếp theo. Đồng thời, có tác dụng răn đe và cảnh báo rất rõ ràng cho những kẻ đã, đang và muốn tham nhũng tài sản của Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG là ví dụ điển hình của việc các Bộ, ngành vừa đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản Nhà nước ở doanh nghiệp, dẫn đến xung đột về lợi ích, khó đảm bảo tính khách quan trong ban hành chính sách và công tác chỉ đạo thực hiện giám sát và kiểm tra. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi không cho rằng vụ án MobiFone-AVG bắt nguồn từ cơ chế Bộ chủ quản đối với DNNN mặc dù cơ chế này đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, thậm chí tiêu cực cho sự phát triển của một ngành nghề nói chung cũng như của một số DNNN nói riêng. Vụ án MobiFone-AVG là điển hình của hiện tượng ngày càng phổ biến với quy mô ngày càng lớn diễn ra trong khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực công, đó là mua đắt – bán rẻ.
Nói cách khác, do bản chất sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân của khu vực kinh tế Nhà nước nên những người đại diện chủ sở hữu có lợi ích ngược lại với lợi ích chung của đơn vị tổ chức mà họ đại diện quyền chủ sở hữu trong khi trách nhiệm lại không rõ ràng, quy định thiếu chặt chẽ. Thậm chí, họ gần như không phải chịu trách nhiệm nên trong nhiều trường hợp họ sẵn sàng mua đắt – bán rẻ làm thiệt hại tài sản Nhà nước nhưng lại đem lại lợi ích lớn, thậm chí rất lớn cho họ.
Theo tôi, bản chất của thương vụ MobiFone-AVG cũng như nhiều vụ án tham nhũng lớn khác liên quan đến DNNN, đến khu vực kinh tế Nhà nước chính là chúng ta vẫn quản lý khu vực kinh tế Nhà nước, cả mục tiêu, công cụ và phương thức quản lý giống như thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung chứ không phải là trong điều kiện kinh tế thị trường mà chúng ta đã theo đuổi hơn 30 năm qua.
Không chỉ riêng thương vụ MobiFone-AVG, hay dự án Gang Thép Thái Nguyên, nhiều sai phạm trong các thương vụ, dự án được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước liên quan tới các quan chức, cán bộ đã được cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ. Điều này nói lên điều gì?
Mỗi thương vụ, mỗi dự án sai phạm đều có những đặc điểm riêng liên quan đến nhiều tổ chức và cá nhân với những mức độ sai phạm khác nhau và hậu quả cũng khác nhau. Song tựu chung lại đều chứng tỏ một điều là suốt thời gian dài chúng ta đã giao quyền và tài sản của Nhà nước vào tay nhiều kẻ vừa vô trách nhiệm vừa tham lam vô độ, trong khi lại thiếu hẳn cơ chế giám sát, ngăn chặn và trừng phạt kịp thời những biểu hiện tham nhũng khiến cho tình trạng tham nhũng không những không giảm bớt mà còn lan rộng với mức độ ngày càng nguy hiểm gây thiệt hại khủng khiếp cho xã hội, đó là chưa kể làm giảm sút đáng kể niềm tin của xã hội vào bộ máy quản lý Nhà nước.
Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG là điển hình của hiện tượng ngày càng phổ biến với quy mô ngày càng lớn diễn ra trong khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực công, đó là mua đắt – bán rẻ.
Tham nhũng giống như con bạch tuộc mà cứ chặt vòi này nó lại mọc ra vòi khác. Nếu muốn trị tham nhũng, để không xảy ra thêm những vụ án tương tự dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên… thì cần trị tận gốc bằng quyết tâm, thông qua cơ chế phòng chống tham nhũng hữu hiệu.
Hàng chục nghìn tỷ của dân rơi vào những cái túi tham không đáy của nhóm người
Theo ông, thực trạng nhiều công trình đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công như thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG hay 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương hay các dự án đường sắt đô thị tạo hệ luỵ ra sao đối với nền kinh tế?
Không phải là hệ luỵ mà là hậu quả khủng khiếp cả về kinh tế - tài chính lẫn xã hội. Trước hết, hàng chục ngàn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân đã đổ xuống sông xuống biển hay rơi vào những cái túi tham không đáy của một nhóm người trong khi chúng ta phải chắt chiu từng đồng NSNN và đi vay nợ để xây dựng đất nước.
Thứ hai, nhiều dự án thua lỗ đã làm rối loạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều ngành, nhiều địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội ở cấp vĩ mô và vi mô.
Thứ ba, không ít dự án nếu dững lại hay tiếp tục triển khai và vận hành thì đều trở thành những “xác sống” tiếp tục làm ô nhiễm nền kinh tế và tạo thêm những khoản lỗ mới do công nghệ lạc hậu, giá thành cao hay không có thị trường tiêu thụ.
Thứ tư, chi phí cơ hội từ những dự án thua lỗ trị giá hàng ngàn tỷ đồng cũng không hề nhỏ khi lẽ ra nguồn lực dành cho các dự án đó được dành cho các dự án khác có hiệu quả kinh tế - xã hội cao chứ không phải là dự án thua lỗ.
Tôi cho rằng giả sử không có các dự án thua lỗ đó thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chắc chắn không loanh quanh 6-7% như mấy năm vừa qua. Ngoài ra, những thiệt hại về mặt xã hội do các dự án thua lỗ này gây ra thật khó mà có thể đong đếm được.
Liệu sai phạm của các cán bộ như ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn hay nhiều quan chức khác đã phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình tại các dự án đầu tư có gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư của Việt Nam?
Vấn đề then chốt đối với môi trường đầu tư ở nước ta là đảm bảo bình đẳng, công khai minh bạch và giảm chi phí giao dịch, cả chính thức và phi chính thức. Sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng không trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thậm chí còn làm cho không ít nhà đầu tư nước ngoài vui mừng, đặc biệt là một số nhà đầu tư nước ngoài là đối tác, tiếp tay và hưởng lợi không nhỏ từ những dự án thua lỗ đó.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế Nhà nước là một trong 3 khu vực kinh tế cùng với khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn FDI nên cạnh tranh sẽ giảm bớt rất nhiều khi khu vực kinh tế Nhà nước vốn đang chiếm khoảng 1/3 GDP lâm vào cảnh thua lỗ và tự làm giảm khả năng cạnh tranh của chính mình do tham nhũng và sai lầm trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại mà trái lại họ đang mừng thầm.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế FDI chắc chắn chịu ảnh hưởng gián tiếp do tình trạng thiếu công khai minh bạch vốn dung dưỡng cho các dự án thua lỗ kéo dài có thể duy trì, thậm chí đôi khi gia tăng. Hơn nữa, để che lấp và bảo vệ cho các dự án thua lỗ, một số tổ chức cá nhân có thể tạo ra những qui định nhằm hạn chế cạnh tranh, qua đó cản trở và gây thiệt hại cho những nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hoạt động trong môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng và trong sạch.
Từ những sai phạm trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, đối với các lĩnh vực như truyền hình, viễn thông... phải chăng Nhà nước nên nhường sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân?
Khu vực kinh tế Nhà nước tới đây nên cơ cấu lại theo nguyên tắc Nhà nước không làm những gì mà khu vực kinh tế phi Nhà nước có thể làm và làm tốt hơn khu vực kinh tế Nhà nước. Phần khu vực kinh tế Nhà nước còn giữ lại cần được cải tổ phương thức quản lý theo đúng các nguyên tắc và điều kiện kinh tế thị trường, cụ thể là tuân thủ phương châm công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, chế độ trách nhiệm rõ ràng và thưởng phạt công minh.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.