Thấy gì khi doanh thu phim Trấn Thành, Lý Hải thu hơn 1.000 tỷ đồng, 8 phim Việt còn lại chỉ đạt 44 tỷ đồng?
Thấy gì khi doanh thu phim Trấn Thành, Lý Hải thu hơn 1.000 tỷ đồng, 8 phim Việt còn lại chỉ đạt 44 tỷ đồng?
Hà Thúy Phương
Thứ hai, ngày 24/06/2024 19:40 PM (GMT+7)
Doanh thu phim Việt 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy bức tranh chia rõ 2 mảng màu của điện ảnh nước nhà. Chỉ có 2 dự án thành công là "Mai" và "Lật mặt 7”. 8 phim còn lại đều thua lỗ về doanh thu.
"Bức tranh 2 mảng màu" của phim Việt đã được phác họa từ đầu năm 2024
Từ Tết Nguyên đán 2024 – thời điểm vốn được kỳ vọng nhất của các nhà làm phim trong năm nhưng các dự án đã liên tục "né" phim Mai của Trấn Thành để dời ngày phát hành. Tuy nhiên, kết quả cũng không như các nhà phát hành mong đợi.
Sau hơn một tháng "chờ thời", Sáng đèn trở lại phòng vé dù được phản hồi là một phim có chất lượng nhưng với đề tài về nghệ thuật cải lương khá khu biệt nên không tạo được hiệu ứng tốt với khán giả. Tổng doanh thu chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Doanh thu của phim Trà chỉ được 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà sản xuất chưa có thông tin gì về ngày phim trở lại.
Sau Tết, các phim Việt khác ra rạp lần lượt gặp tình cảnh tương tự. Những cái tên như: Quý cô thừa kế 2; Đóa hoa mong manh; B4S: Trước giờ “yêu”; Án mạng lầu 4… không thể thu hút khán giả. Tất cả đều rơi vào tình trạng ế ẩm, cuối cùng phải nhanh chóng rời rạp vì không bán được vé.
Trong đó, Quý cô thừa kế 2 đạt doanh thu hơn 6,4 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đủ để hoàn vốn. B4S: Trước giờ yêu thu 3,8 tỷ đồng, Án mạng lầu 4 thu 1,9 tỷ đồng, Cái giá của hạnh phúc thu 26,3 tỷ đồng, Móng vuốt 3,8 tỷ đồng theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Lỗ nặng nhất là Đóa hoa mong manh (Mai Thu Huyền đạo diễn). Phim chỉ thu về hơn 430 triệu đồng sau gần một tháng phát hành.
Trong khi đó, Mai có doanh thu 551 tỷ đồng, Lật mặt 7 đang đạt doanh thu 479 tỷ đồng và hiện vẫn trụ rạp. Tổng doanh thu của 2 phim này lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và chưa dừng lại, trong khi đó doanh thu của 8 phim còn lại chỉ có tổng doanh thu khoảng 44 tỷ đồng (theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Con số trái ngược này khiến chính các nhà làm phim hoang mang, ngỡ ngàng.
Chia sẻ với PV Dân Việt về sự chênh lệch trên, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nói: "Nhìn trên bề mặt thì thấy có vài phim Việt nổi trội vượt bật về ngưỡng doanh thu phòng vé nội địa khiến cho giới quan sát quốc tế cũng phải bình luận về thị trường điện ảnh Việt. Xem ra điều này cũng là tín hiệu tốt trong giai đoạn doanh thu phòng vé quốc tế cũng đang đi xuống mùa này. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào câu chuyện này bằng các thông số cụ thể và liên quan thì ắt hẳn sẽ thấy thị trường điện ảnh Việt dường như đang phát triển lệch trong giai đoạn này. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế trong nửa cuối năm nay thì e rằng sẽ không còn là điểm nhìn lạc quan chung với cả nền điện ảnh Việt hiện có".
Diễn viên, đạo diễn trăm tỷ không còn là "bảo chứng phòng vé"
Trong số các phim Việt ra rạp năm nay, Cái giá của hạnh phúc là một trong những dự án được chú ý. Bởi lẽ, tác phẩm có sự góp mặt của “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa – cái tên bảo chứng cho thành công phòng vé của nhiều phim Việt.
Phim cũng ra mắt vào dịp lễ 30/4 và 1/5, hứa hẹn tạo nên "cơn sốt" mới. Đáng tiếc, tác phẩm không những chưa thể đạt doanh thu như kỳ vọng mà chất lượng phim còn được giới chuyên môn đem ra bàn tán, mổ xẻ. Diễn xuất của Thái Hòa cũng không đủ sức cứu phim. Dự án thu hơn 26 tỷ đồng nhưng không có lãi, nhà sản xuất Xuân Lan phải lên tiếng kêu cứu vì dự án ế ẩm, không hút khách.
Gần đây, điện ảnh Việt còn chứng kiến "cú ngã ngựa" nặng nề của đạo diễn Lê Thanh Sơn – người tạo ra cơn sốt Em chưa 18 (2017), "biên kịch trăm tỷ" Trần Khánh Hoàng – từng làm Em chưa 18, Đất rừng phương Nam, "diễn viên trăm tỷ" Tuấn Trần từng có mặt trong các phim Bố già, Đất rừng phương Nam, Mai. Tuy nhiên, phim vẫn không thoát được cảnh bết bát, chỉ thu về hơn 3,8 tỷ đồng sau hai tuần trụ rạp dù ê-kíp kỳ vọng đạt hơn 300 tỷ đồng. Bộ phim đã phải rời rạp hôm qua (23/6).
Một trường hợp khác là B4S: Trước giờ “yêu”. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp gồm: Jun Vũ, Tôn Kinh Lâm, Khánh Vân, Tùng… nhưng vẫn không bán được vé.Hay Án mạng lầu 4 có ca sĩ Lương Bích Hữu cũng chưa đủ sức để lôi kéo khán giả ra rạp. Điều này cho thấy những gương mặt nổi tiếng không còn là yếu tố giúp tác phẩm được chú ý hơn.
Các phim Trà, Cái giá của hạnh phúc đều có những cảnh nóng - từng là yếu tố lôi kéo khán giả của phim Việt một thời nay cũng đã trở nên hết hiệu nghiệm.
Thất bại của loạt phim Việt nêu trên phần nào cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác trước của điện ảnh Việt hiện nay. Các yếu tố làm nên phim ăn khách trước kia như: ê-kíp lâu năm, đạo diễn hay diễn viên “trăm tỷ”, cảnh nóng, các diễn viên trẻ đẹp, nổi tiếng đông fan không còn là yếu tố làm nên thành công cho dự án.
"Hiện tượng này dường như nền điện ảnh Hàn Quốc cũng đang gặp phải trong thời gian gần đây. Nghĩa là có những phim thắng lớn nhưng cũng có nhiều phim thất thu nặng, trở thành hai thái cực. Tuy vậy điện ảnh Hàn Quốc ít nhất cũng đang phân chia rõ nét về hai thái cực, đó là phim có đầu tư ngân sách lớn có nhiều sao và phim ngân sách thấp. Trong khi dường như hầu hết các phim Việt chiếu rạp hiện tại đều có mức đầu tư trung bình như nhau, phim thắng lớn chủ yếu là do thương hiệu "người cầm cờ" mang tính quyết định (như Trấn Thành, Lý Hải), dàn diễn viên "ngôi sao" (nếu có) gần như không thể bảo chứng được gì.
Đây xem ra cũng là hiện tượng đáng bàn với điện ảnh Việt chiếu rạp giai đoạn này, khi thiếu vắng ngôi sao phòng vé có khả năng bảo chứng thực sự, so với các nền điện ảnh trong khu vực như phim Hong Kong hiện đang chiếu rạp Việt Nam Cửu Long Thành Trại: Vây thành, có các tên tuổi bảo chứng rõ nét với khán giả Việt: Cổ Thiên Lạc, Hồng Kim Bảo, Quách Phú Thành..." - ông Châu Quang Phước nhận định.
Doanh thu phim Việt bết bát do tầm nhìn giới hạn của giới làm nghề?
Thị hiếu của khán giả Việt đã có một sự thay đổi hoàn toàn trái ngược với trước đây. Điều đó dễ dàng có thể thấy ở 2 dự án thành công duy nhất nửa đầu năm 2024 đến từ Trấn Thành và Lý Hải.
Mặc dù là cái tên mới trong làng điện ảnh chỉ vài năm gần đây, Trấn Thành đã thể hiện được phong cách cá nhân riêng biệt, không lẫn với một đạo diễn nào khác. Cùng với những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, dễ xem, dễ cảm, tác phẩm của anh đã lôi kéo được đông đảo khán giả.
Với Lý Hải, một người làm phim đã có thâm niên, đạo diễn này tập trung vào phong cách làm phim tạo ra sự bắt mắt về thị giác như cảnh đẹp quê hương đất nước, sự dễ thương tự nhiên đến từ diễn xuất, cùng với thông điệp rõ ràng, phù hợp với thời cuộc. Có thể thấy điểm chung của các tác phẩm này là hơi thở của cuộc sống đương đại. Từ những câu chuyện gần gũi, để tìm được sự đồng cảm của khán giả.
Thị hiếu của khán giả luôn thay đổi. Nhưng bài học từ 2 tác phẩm điện ảnh thành công nửa đầu 2024 đã rõ ràng. Tuy vậy, không ai có thể chắc được ở nửa cuối của năm 2024 thị hiếu khán giả có sự thay đổi hay không? Với một bộ môn nghệ thuật tốn kém tiền bạc, nhiều đạo diễn đã phải bán nhà hoặc từ bỏ những đề tài mình đang ấp ủ. Bài toán này vẫn đang chờ lời giải.
"Có vẻ như câu chuyện bị thất thu trầm trọng hiện có với điện ảnh Việt cũng cho thấy tầm nhìn dự án của giới làm nghề của ta có giới hạn, so với mong đợi của khán giả Việt giai đoạn mới. Bởi cũng sẽ không khó giải thích về chuyện thảm bại doanh thu phòng vé với các trường hợp phim Việt gần đây, từ góc nhìn khán giả đại chúng chứ chưa cần đến giới phân tích chuyên ngành" - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước bày tỏ.
Thời điểm cuối tháng 6/2024, không còn bộ phim Việt nào trụ rạp ngoài Lật mặt 7. Rạp Việt hiện đang là "miếng bánh" lớn cho các dự án ngoại quốc chia nhau thị phần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.