Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3)

Nhóm phóng viên điều tra Chủ nhật, ngày 13/08/2023 07:30 AM (GMT+7)
Trước thời điểm trùm "xã hội đen" Năm Cam bị bắt giữ lần thứ nhất vào tháng 5/1995, dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng báo động về những thế lực đứng đằng sau, tạo vây cánh cho băng nhóm của Năm Cam lớn mạnh, phủ trùm lên khắp thành phố, đó là một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy công quyền.
Bình luận 0

Sự chống lưng cho trùm giang hồ Năm Cam

Đáng chú ý, trong khi Năm Cam và một số đàn em thân cận bị bắt lần thứ nhất và đang bị cơ quan điều tra truy hỏi về mối quan hệ của họ với với một số cán bộ thoái hóa trong một số cơ quan pháp luật, thì ở nhà, người thân của Năm Cam viết đơn gửi đến một số báo chí và cơ quan chức năng để kêu oan cho Năm Cam với sự "đồng thanh tương ứng" của một số cán bộ biến chất nào đó.

Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3) - Ảnh 1.

Năm Cam (đứng thứ hai từ trái sang). Ảnh T.L

Trong đơn kêu oan, người thân Năm Cam cho rằng "Năm Cam có 4 bằng khen của Công an TP.HCM về đóng góp trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, và khách sạn Cam hoạt động phi pháp tại sao chính quyền địa phương chưa đóng cửa?". Gia đình Năm Cam còn thắc mắc trước việc cơ quan điều tra bắt Năm Cam và khám xét các cơ sở làm ăn của gia đình y, đồng thời còn lớn tiếng cho rằng một số báo chí đưa tin về hoạt động của băng đảng Nam Cam là sai sự thật? 

Luận điệu của gia đình Năm Cam được lặp lại dưới dạng này dạng khác và được củng cố thêm bởi một số luận điệu cho rằng: Nhà nước cho phép nước ngoài mở casino thì tại sao lại cấm đoán Năm Cam? Nào là hoạt động cờ bạc của Năm Cam không thể ghép được vào tội hình sự? Và nguy hiểm hơn, lại có luận điệu tung hỏa mù để bao che cho Năm Cam: Y là người của cơ quan điều tra nào đó cài vào giới tội phạm để "lấy độc trị độc". Những luận điệu đó đều xuất phát từ một nguồn, đó là tàn dư băng đảng Năm Cam cộng với thế lực bao che đứng phía sau, và nhằm vào một mục tiêu giải thoát Năm Cam, bảo vệ băng nhóm và những cán bộ biến chất liên quan đến Năm Cam.

Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3) - Ảnh 2.

Trùm "xã hội đen" Nam Cam và Dung Hà. Ảnh T.L

Kể từ năm 1987, sau 8 năm điều hành đường dây cờ bạc lớn nhất TP.HCM gồm các sòng bài, trường gà, khách sạn, nhà hàng, "giang sơn cờ bạc" của trùm casino Năm Cam không còn là những hoạt động tự phát đơn lẻ. Đã hình thành những hoạt động có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp do các băng nhóm tội phạm điều hành. Những hoạt động tội phạm này không còn mang tính cờ bạc đơn thuần, mà đi kèm với các hoạt động bảo kê, khủng bố và khống chế. Điển hình như việc một số đàn em thân cận của Năm Cam, khi vào ăn nhậu tại vũ trường Viễn Đông (Cheer) đã đập phá vũ trường này, để rồi sau đó chính đám anh chị đầu gấu này lại trở thành "bảo vệ" ngầm của vũ trường. Sự việc này khởi đầu bằng khủng bố rồi sau đó tiến đến bảo kê hoạt động vũ trường. 

Ở một vụ khác, cuối năm 1994, mấy băng nhóm giang hồ do việc tranh giành gái chơi đã đập phá một xe hơi đời mới của giám đốc câu lạc bộ VIP, trong vụ này, một phó ban Việt kiều, một cán bộ trong ban tư vấn đầu tư cũng bị bọn đầu gấu hành hung, khủng bố.

Có thể thấy, qua những vụ khủng bố nói trên diễn ra tại TP.HCM cùng với hàng loạt vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm tội phạm để tranh giành quyền bảo kê, quản lý địa bàn làm ăn, dư luận xã hội đã nhận ra chân tướng mafia của các tổ chức này. Công thức kinh doanh của các băng mafia tội phạm trên thế giới là "kinh doanh tội ác" bao gồm khủng bố đi liền với buôn bán hàng cấm, cờ bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn, khống chế bảo kê các địa bàn làm ăn…và băng nhóm của Năm Cam cũng tương tự.

Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3) - Ảnh 3.

Năm Cam bị dẫn giải ra xét xử tại phiên tòa. Ảnh Báo CAND

Trùm tội phạm Năm Cam đã điều hành các băng nhóm tội phạm trong đường dây cờ bạc của y như một thủ lĩnh mafia thật sự. Điều đáng nói, chỉ có nhóm đàn em thân cận (các "đầu lĩnh") cầm đầu từng khu vực mới nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của thủ lĩnh Năm Cam. Còn tất cả hoạt động của các băng nhóm nhỏ (phụ trách bởi các "tiểu đầu lĩnh") trong từng khu vực quận huyện, Năm Cam không tham dự. Một số tội phạm có số má khi mãn hạn tù đã được Năm Cam đưa vào chân canh giữ, bảo vệ các sòng bạc, trường gà và lệ thuộc hẳn vào sự điều động của trùm Năm Cam. Các băng nhóm giang hồ ở TPHCM khi đụng độ nhau trong các lĩnh vực làm ăn đều mơi ông trùm Năm Cam đứng ra dàn xếp, giải quyết.

Lệnh bắt khẩn cấp trùm Năm Cam lần thứ 2

Đặc biệt, ông trùm Năm Cam bao giờ cũng chỉ quan hệ giải quyết công việc làm ăn với sếp sòng của các băng nhóm. Từ đấy mọi chỉ đạo của ông trùm sẽ được triển khai ở hạ tầng cơ sở các băng nhóm. Ngay cả khi Năm Cam không đứng ra trực tiếp quản lý các sòng bạc và chuyển sang kinh doanh bất hợp pháp, thì Năm Cam vẫn là "sếp của các sếp", đứng ra cầm trịch với tư thế của ông trùm xã hội đen. Mọi tranh chấp, kiện tụng của các sếp sòng casino đều phải thỉnh thị "ý kiến của anh Năm", cũng như khi có sự cố va vấp với chính quyền địa phương, đều phải tìm đến ông trùm Năm Cam xin ý kiến giúp đỡ.

Năm Cam bắt đầu phát triển và bành trướng thế lực bằng chính lợi nhuận khổng lồ của các sòng bạc và hệ thống cho vay nặng lãi. Đối tượng đã không dừng lại ở mực độ một ông trùm cờ bạc. Y muốn trở thành một hoàng đế không ngai của thế giới ngầm Sài Gòn. Đến năm 1993, do giao tiếp với một số nhân vật có thế lực, Năm Cam nảy ra ý định trở thành một nhân vật giàu có, có uy tín của xã hội. Y bắt đầu "rửa tiền" bàng việc mở khách sạn Cam và quán Kim Anh… chính là để phục vụ ý đồ này. Y muốn giấu mặt, không trực tiếp điều hành các mạng lưới "xã hội đen" nữa mà giao dần cho các đàn em thân tín, và then chốt là việc chọn được người kế vị để rút lui một cách an toàn.

Sau khi bị bắt giữ lần thứ nhất năm 1995, Năm Cam đã thoát hiểm ngoạn mục khi không bị truy tố, xét xử và chỉ bị đưa đi cưỡng bức lao động tại một trại cải tạo ở miền Bắc rồi được thả về. Sau khi trở lại TP.HCM, Năm Cam đã không hoàn lương hối cải và ngang nhiên trở lại với địa vị "ông trùm của các ông trùm tội phạm cả nước".

Từ năm 1998-2001, Năm Cam liên quan tới một loạt vụ án nghiêm trọng ở TP.HCM mà kinh hoàng nhất là vụ hạ sát cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn và bắn chết Dung Hà (bà trùm của giới giang hồ Hải Phòng). Chiều 12/12/2001, lệnh bắt giữ khẩn cấp trùm tội phạm Năm Cam và đồng bọn đã được Ban chuyên án của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và Công an TP.HCM triển khai.

Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3) - Ảnh 5.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm khi còn công tác. Ảnh T.L

Ngày 13/12/2001, chúng tôi đã phỏng vấn tướng Lê Thế Tiệm, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an và tướng Trương Hữu Quốc, lúc đó là Tổng cục trưởng Tồng cục Cảnh sát về chuyên án này. Nói về việc lực lượng công an sẽ tập trung truy quét quyết liệt, không để bọn tội phạm nguy hiểm tồn tại, tướng Lê Thế Tiệm cho biết: " Cách đây 6 năm (5/1995), Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Công an TP.HCM đã bắt giữ Năm Cam, nhưng vì chứng cứ phạm tội chưa rõ, nên y đã bị cưỡng bức lao động 3 năm rồi được tha. Nếu sau đó Năm Cam thực sự hối cải, chịu khó làm ăn lương thiện thì có thể không có chuyện ngày 12/12/2001, lực lượng công an phải thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với y.

Việc bắt giữ Năm Cam lần này là do y có liên quan đến một số vụ án nghiêm trọng tại TP.HCM và có những bằng chứng phạm tội rõ ràng. Có nhiều khả năng một số vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm xã hội đen ở TP.HCM, như vụ hạ sát trùm "xã hội đen" Dung Hà có liên quan đến Năm Cam và đàn em của y. Thời gian qua, một số băng nhóm tội phạm từ các tỉnh, thành phố cả nước đã tụ tập về TP.HCM để hoạt động gây án. Hai vị tướng Công an khẳng định đã chỉ đạo, bằng mọi cách, lực lượng công an phải kiên quyết trấn áp không khoan nhượng bọn tội phạm có tổ chức, bọn xã hội đen".

Trao đổi về việc Ban chuyên án liên tỉnh, thành phố được thành lập để chỉ huy chiến dịch triệt phá băng nhóm "xã hội đen" Năm Cam, tướng Trương Hữu Quốc cho biết: "Ban chuyên án do Tổng cục Cảnh sát phối hợp với lãnh đạo công an một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang… triển khai. Chỉ đạo trực tiếp phía Nam là tướng Nguyễn Việt Thành lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban, và tướng Phạm Xuân Quắc, lúc đó là Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự phụ trách phía Bắc là phó ban.

Thấy gì qua 2 lần bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam? (kỳ 3) - Ảnh 7.

Tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát -Bộ Công an. Ảnh T.L

Vẫn theo tướng Quốc, qua điều tra đã khám phá 40 vụ án nghiêm trọng xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam (có 22 vụ cướp dùng vũ khí). Riêng việc bắt Năm Cam, anh em phải tính kỹ vì tên này trước đây đã mấy lần đi cải tạo và có nhiều kinh nghiệm đối phó với công an. Mạng lưới chân rết của băng nhóm "xã hội đen" Năm Cam hiện có mặt ở nhiều thành phố lớn. Hiện có tin một số cán bộ, cơ quan chức năng có liên quan đến băng nhóm Năm Cam, chúng tôi đang xem xét cẩn trọng và sẽ điều tra làm rõ. Năm Cam có liên quan đến nhiều vụ án tại TP.HCM, trong đó có vụ bắn chết Dung Hà".

KỲ 4: CUỘC TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC SỐNG CÒN GIỮA BĂNG NHÓM NĂM CAM VÀ GIANG HỒ HẢI PHÒNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem