Thầy giáo Vật lý chỉ ra nhiều lỗi ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học

Tào Nga Thứ hai, ngày 05/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, thầy Túc cho biết có thể chỉ ra hàng trăm lỗi từ cơ bản đến nghiêm trọng trong cuốn sách này.
Bình luận 0

Lỗi sai trong SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ học 3 cuốn sách Khoa học Tự nhiên là bộ Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo của NXB Giáo Dục Việt Nam. Tuy nhiên, thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đọc và phát hiện ra nhiều lỗi trong cuốn Khoa học Tự nhiên của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Dưới đây là những thông tin được thầy Túc chia sẻ với PV Dân Việt.

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 1.

Cuốn sách Khoa học Tự nhiên lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo Dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ý kiến của thầy Túc: "Chỉ riêng về bài lực ma sát, lực cản đã có hàng chục lỗi sai kiến thức, lỗi phản giáo dục". Thầy chỉ ra:

Lỗi số 1: Trong hình vẽ 5.2 đã biểu diễn lực ma sát do sàn nhà tác dụng lên thùng hàng rồi vậy câu hỏi "xác định phương chiều của lực ma sát trong các hình 5.2" là không hợp lý. Mặt khác, câu hỏi cũng cần rõ ràng là lực ma sát do thùng hàng tác dụng lên sàn nhà hay lực ma sát do sàn nhà tác dụng lên thùng hàng.

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 2.

Trong bức ảnh trên, Thầy Túc nói có ít nhất 3 lỗi sai. Ảnh: NVCC

Lỗi số 2: Trong hình 5.2 (a) vẽ độ dài mũi tên lực ma sát nghỉ do sàn nhà tác dụng lên thùng hàng lớn hơn lực đẩy của người tác dụng lên thùng hàng là sai kiến thức cơ bản vì khi thùng hàng chưa chuyển động thì theo phương ngang độ lớn của hai lực đó bằng nhau. Vậy phải vẽ độ dài hai mũi tên đó bằng nhau.

Lỗi số 3: Hình 5.2 (b) vẽ điểm đặt của lực đẩy của người tác dụng lên thùng hàng như vậy là cao so với mặt sàn (những người đã trải nghiệm thực tế khi nhìn thấy sẽ bất an). Nếu kết nối tri thức với cuộc sống như thế học sinh thực hành theo có thể gây nguy hiểm cho người và đồ vật (ví dụ các em di chuyển giá sách trong phòng học). 

Với bài 6 về Lực cản của nước cũng đã chỉ ra các lỗi.

Lỗi số 1: Việc khẳng định "Trong hai phương tiện đường thủy ở trên thì tàu ngầm có tốc độ nhỏ hơn nhiều" là không có căn cứ. Điều này rất nguy hiểm vì nó lan truyền đến hàng triệu giáo viên và học sinh một thông tin sai. Sự thật, tốc độ tối đa của các siêu du thuyền nhỏ hơn nhiều tốc độ tối đa của tàu ngầm tấn công (thông tin này có nhiều trên các trang mạng).

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 3.

Ý kiến của Thầy Túc về câu hỏi đặt vấn đề gắn với bức tranh. Ảnh: NVCC

Lỗi số 2: Tác giả muốn giáo viên dạy học sinh tàu ngầm có tốc độ nhỏ hơn du thuyền nhiều là do lực cản của nước là sai bởi không được phép so sánh không cùng điều kiện.

Lỗi số 3: Tác giả muốn giáo viên dạy học sinh tàu ngầm có tốc độ nhỏ hơn du thuyền nhiều là do lực cản của nước là sai bởi mỗi phương tiện chế tạo với mục tiêu khác nhau. Tàu ngầm, điều quan trọng là phải chạy êm và bí mật còn tốc độ không phải là vấn đề ưu tiên (tàu ngầm trong biên chế bảo vệ tầu sân bay có tốc độ lớn hơn siêu du thuyền nhiều).

Lỗi số 4: Tác giả muốn giáo viên dạy học sinh tàu ngầm có tốc độ nhỏ hơn du thuyền nhiều là do lực cản của nước là sai bởi xét về lực cản của nước tác dụng lên du thuyền 5 sao và lên tàu ngầm thì lực cản của nước tác dụng lên du thuyền lớn hơn nhiều (với cùng tốc độ).

Ngoài việc chỉ ra những lỗi sai, thầy Túc còn nói có rất nhiều các ví dụ đơn giản và gần gũi cuộc sống mà hầu hết các em đã trải nghiệm.

Ví dụ 1: Khi đi tắm, em cảm nhận được nếu em đi bộ trên bờ và đi bộ dưới nước thì đi ở đâu dễ hơn? Vì sao?

Ví dụ 2: Vẫy bàn tay ngoài không khí và vẫy trong chậu nước thì ở đâu dễ hơn? Tại sao?

Chia sẻ về một lỗi rất lớn nữa cũng trong bài này, thầy Túc nói: "Với mục đích là chỉ ra cho học sinh lớp 6 biết khi một vật chuyển động trong không khí, trong nước thì xuất hiện lực cản tác dụng lên vật và lực cản của nước tác dụng lên vật mạnh hơn mà tác giả phải thực hiện một thí nghiệm rất phức tạp. Điều đáng nói là thí nghiệm này sai về nhiều mặt".

Cụ thể, thầy Túc nói về mặt kinh tế, tốn kém thời gian, công sức tiền của để chế tạo. Tốn kém thời gian, công sức của hàng chục triệu giáo viên và học sinh chuẩn bị và tiến hành thí nghiệm mà nhưng lại nhận được kiến thức sai. Giá thành khoảng 2 triệu đồng/bộ và nếu trang bị cho cả nước là con số không nhỏ.

Ngoài ra, dùng lực kế có giới hạn đo 5,0N và độ chia nhỏ nhất 0,1N để đo lực cản của không khí tác dụng lên xe lăn có độ lớn cỡ 0,01N là không đo được. Đây là một lỗi tối kị trong giáo dục - dạy một đằng làm một nẻo (bài trước dạy các em khi tiến hành đo phải ước lượng độ lớn của lực để chọn dụng cụ đo phù hợp). 

Cũng theo thầy Túc, ở chủ đề các phép đo, SGK đã hướng dẫn học sinh cách đọc kết quả khi đo lực là đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với thân lực kế tại vị trí của cái chỉ thị. Vậy trong trường hợp này, lực kế đang chạy các em làm sao đọc được số chỉ? Số chỉ của lực kế nếu đọc được thì đó chủ yếu là lực ma sát lăn tác dụng lên xe lăn và ròng rọc (thầy Túc đã làm thí nghiệm với loại xe lăn và ròng rọc tốt nhất trên thị trường). Điều này hầu hết giáo viên Vật lý nào cũng biết. Vậy người thiết kế bài thí nghiệm đã mắc lỗi sai căn bản trong thực hành là đo nhầm đối tượng cần đo.

Thầy Túc viện dẫn tiếp, trong hướng dẫn thí nghiệm, tác giả có nói kéo từ từ lực kế để xe lăn chuyển động ổn định. Để lực cản tác dụng lên xe lăn đạt được trạng thái ổn định thì thí nghiệm này không làm được vì quãng đường quá ngắn (hơn nữa không chứng nào để biết xe chuyển động ổn định, chính tổng chủ biên đã nói khoa học là phải có số liệu đo cụ thể).

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 6.

Lực kế ống dùng trong thí nghiệm chỉ được phép đo thuận theo phương thẳng đứng, khi đo mà lực kế bị nghiêng thì kết quả đo sẽ sai. Lực cản tác dụng lên xe phụ thuộc vào tốc độ của xe, vậy khi xe chuyển động trong không khí và trong nước thì cơ sở nào khẳng định xe chuyển động trong không khí có tốc độ như khi chuyển động trong nước? So sánh không cùng mốc.

Cuối cùng điều gì khẳng định khi tiến hành thí nghiệm thì xe lăn đang chuyển động theo phương ngang? Thiếu cơ sở khoa học. Vậy là chỉ trong một bài đã có tới 16 cục "sạn".

Đặc biệt trong bài 54 - Hệ mặt trời, hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ quan sát vết đen trên mặt trời, thầy Túc cho biết: "Hình vẽ và hướng dẫn không khớp nhau làm giáo viên và học sinh làm nhầm có thể gây tổn thương rất nguy hiểm cho mắt, thậm chí mù mắt. Không thể kết nối tri thức với cuộc sống như thế này được".

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 6.

Thầy Túc chỉ ra việc nguy hiểm trong bài 54 về hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ quan sát vết đen trên mặt trời. Ảnh: NVCC

Thầy Túc nói về bài hướng dẫn quan sát vệt đen trên mặt trời: "Tôi đã thử nghiệm ở nhiều giáo viên và học sinh nhưng không ai làm được thiết bị này. Theo tôi, ở đây có các cục sạn lớn cần nhặt như sau:

Lỗi số 1: Tác giả cho chiếc đinh ghim mà không có trong hướng dẫn sử dụng.

Lỗi số 2: Tác giả dùng từ "khoét" một lỗ tròn mà không cho dụng cụ.

Lỗi số 3:  Hướng dẫn làm sai điều này khiến người hiểu biết nghĩ tác giả chưa từng làm thiết bị này đã hướng dẫn giáo viên và học sinh làm. Đây là điều tối kị trong giáo dục.

Lỗi số 4: Khi hướng dẫn, cần có số đo của hộp và lỗ tròn để giáo viên và học tham khảo.

Lỗi số 5: Hình vẽ và hướng dẫn không khớp nhau làm giáo viên và học sinh làm nhầm có thể gây tổn thương rất nguy hiểm cho mắt".

Thầy giáo Vật lý chỉ ra cả trăm lỗi sai ở SGK Khoa học Tự nhiên lớp 6 sắp được đưa vào học - Ảnh 9.

Thầy Mai Văn Túc (trái) - giáo viên Vật Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem