Thẻ bài ra vào nội cung thời Lê sơ độc đáo cỡ nào mà được công nhận Bảo vật Quốc gia?
Thẻ bài ra vào nội cung thời Lê sơ độc đáo cỡ nào mà được công nhận Bảo vật Quốc gia?
Hà Tùng Long
Thứ bảy, ngày 20/01/2024 13:30 PM (GMT+7)
Trong số 4 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long, thẻ bài cung nữ ra vào nội cung và mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ đều chứa đựng những giá trị hết sức độc đáo.
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung đời vua Lê Thánh Tông
Theo đại diện Hoàng thành Thăng Long, thẻ bài này được phát hiện năm 2021, tại hố khai quật phía Đông di tích Hậu Lâu (ký hiệu 21.ĐKT.H1.L2-3) - thuộc khu vực hậu điện - nội điện thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng.
Thẻ làm bằng chất liệu kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, hai góc của cạnh trên của hình thang được tỉa cong. Thẻ có chiều cao 12,7cm; cạnh dưới rộng 4,9cm; cạnh trên rộng 4,6cm; phía trên dày 0,11cm; phía dưới dày: 0,10cm. Các cạnh của cặp thẻ bài này được mài vê tròn để làm mất độ nhọn, sắc của cạnh. Trên trục chính tâm từ trên xuống dưới của thẻ, cách đỉnh 1,3cm có một lỗ nhỏ, đường kính lỗ 0,3cm. Lỗ này để luồn dây đeo thẻ.
Hai mặt có khắc chữ Hán, nét chữ khắc sâu, rõ ràng. Mặt thứ nhất khắc 5 chữ 宮女出買牌 Cung nữ xuất mãi bài. Chữ được xếp thành một hàng dọc, ở giữa thẻ, kích thước chữ lớn hơn so với chữ ở mặt còn lại. Đây là mặt chính của thẻ. Mặt thứ hai, tức là mặt sau của thẻ khắc 11 chữ, xếp thành hai hàng dọc, hàng thứ nhất (từ phải qua trái) 4 chữ 宫字五號 Cung tự ngũ hiệu; hàng thứ hai 7 chữ 光順七年四月造 Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo. (tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, năm 1466).
Thẻ bài được làm bằng chất liệu đồng, hai mặt đều khắc chữ Hán. Ảnh: HTTL
Mô hình kiến trúc bằng đất nung thời Lê sơ được công nhận Bảo vật Quốc gia là hiện vật duy nhất
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, mô hình kiến trúc bằng đất nung tráng men xanh thời Lê sơ được tìm thấy trong đợt khai quật năm 2021. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện mô hình nhà thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long. Nghiên cứu bước đầu cho thấy đó là các mảnh vỡ một tầng mái của mô hình đất nung nhiều tầng, nằm trong tầng văn hóa thời Lê Sơ (thế kỷ XV - XVI).
Mô hình kiến trúc có cấu trúc đầy đủ gồm 3 phần: nền, bộ khung cột chịu lực và bộ mái. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long thực chất là phần còn lại một công trình hoàn thiện. Phần còn lại này bao gồm một phần của bộ mái và một phần của bộ khung kết cấu.
Bộ khung đầy đủ bao gồm hệ cột, xà và hệ đấu củng. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long còn lại một phần phía trên của bộ khung gồm: hệ cột, hệ xà; hệ đấu củng. Trong đó, hệ cột gồm cột cái, cột quân (cột hiên); hệ xà có các cấu kiện: câu đầu, xà thượng, xà hạ (tương đương với xà nách trong kiến trúc kẻ bẩy); Hệ đấu củng gồm các cấu kiện: đấu, củng, ang và xà vuông. Bộ khung được phủ men màu vàng, sắc độ đậm, thường được gọi là men màu da lươn.
Hệ cột có tổng cộng 16 cột, trong đó có 04 cột lớn thường gọi là cột cái và 12 cột nhỏ, thường gọi là cột hàng hiên và cột quân. Các cột chỉ còn lại phần phía trên nơi kết nối với câu đầu (đối với những cột cái) và xá hạ (đối với các cột hiên). Cột lớn đường kính 2,4cm; cột quân đường kính 1,5cm. Sự phân bố của các cột cho thấy, kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài mái lớn hơn (dài 35,1cm), chiều dài mái nhỏ dài 32,6cm.
Cạnh có kích thước lớn là mặt trước và sau của công trình; mặt có kích thước nhỏ hơn là mặt hông của công trình. Kiến trúc có cấu trúc một gian, hai chái (gian thu hồi), gian giữa rộng 12cm (tính từ tim cột), gian thu hồi khoảng bước gian tương đương nhau 5,5cm; Khoảng cách giữa hai cột cái trong một vì là 15,0cm, giữa cột cái đến cột hiên là 5cm. Các cột cái và 3 cột quân tương ứng ở mỗi góc tạo thành một hình vuông, đảm bảo cho kết cấu bộ khung ăn khớp với nhau. Hiện trạng các cột cách nhau không đều, tuy nhiên trước khi nung đốt, các cột thẳng hàng và cách đều nhau theo quy luật. Việc nung đốt đã làm biến dạng cấu trúc như hiện trạng.
Hệ xà gồm: câu đầu, xà thượng, xà hạ.
Có 2 câu đầu, kết nối 2 cặp cột cái, một câu đầu không thẳng hàng với các xà vuông (vị trí tương ứng của xà nách). Để đảm bảo cột cái và 3 cột quân tương ứng ở một góc tạo thành mặt bằng hình vuông cột cái có chút điều chỉnh khiến cho câu đầu không thẳng hàng với các xà nách tương ứng.
Xà thượng có 2 bộ xà thượng liên kết hai cột cái tương ứng ở hai vì. Các xà này cơ bản nằm trên hệ trục với xà nách tương ứng. Xà thượng có cấu trúc mặt cắt ngang hình chữ nhật, các xà vuông trong hệ đấu củng nằm giữa gian chính đều kết nối với xà này.
Xà hạ (xà đầu cột) là hệ xà kết nối các đầu cột quân lại với nhau và nâng đỡ hệ thống đấu củng mái và góc. Xà có mặt cắt ngang hình chữ nhật, đặt xuyên ngậm lấy đầu cột, đầu dư của xà lượn cong.
Hệ thống đấu củng: gồm 04 hệ thống đấu củng góc và 08 đấu củng đặt trên đầu cột (củng trụ) và 04 hệ thống củng gian đặt trên hệ thống xà hạ. Các đấu có hình dáng, đấu vuông, thót đáy; đầu dư phía ngoài của xà hiên được trang trí hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc, ang có lưỡi.
Bộ mái đầy đủ bao gồm: bộ khung đỡ mái có các cấu kiện; hoành, rui, ngói và các bộ phận khác trên mái. Cấu trúc của hiện vật cho thấy bộ mái đầy đủ vốn có của Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là cấu trúc hai tầng, 8 mái (chồng diêm 2 tầng, 8 mái) hoặc hai tầng mái. Phần còn lại là tầng mái thứ nhất, tầng mái thứ hai chưa được tìm thấy.
Mặc dù chưa tìm đủ các bộ phận cấu thành một mô hình hoàn chỉnh nhưng qua đây hoàn toàn có thể quan sát thấy các thành tố cấu thành bộ mái gồm hoành tròn, rui đua và rui hàng hiên dẹt, lá mái. Trên cùng lợp ngói ống hay còn gọi là ngói âm dương. Ngói dương diềm mái có đầu tròn, trang trí bông hoa. Ngói âm diềm mái có cấu trúc "câu đầu trích thủy' hay còn gọi là ngói dải yếm, lòng dải yếm có trang trí hoa văn.
Bò mái được lợp bằng nhiều lớp ngói, kết thúc bờ dải có cấu trúc giống như viên ngói dương nhưng đầu ngói uốn cong hướng lên trên tạo cho bộ mái có cảm giác uốn cong và bay bổng. Các cấu kiện hoành, rui, lá mái được phủ men vàng sắc đậm giống như màu của bộ khung chịu lực. Ngói được phủ men xanh lục (thanh lưu ly). Qua màu sắc của men có thể thấy, các cấu kiện trên thực tế vốn được làm bằng gỗ sẽ được phủ men màu vàng, mái ngói được phủ men xanh lục.
"Giá trị tư liệu mà di vật mang lại rất cao cung cấp những tư liệu mới mang tính xác thực cao, quý hiếm cho nghiên cứu kiến trúc và mỹ thuật trang trí kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Cho đến nay, đây là mô hình kiến trúc đất nung duy nhất thời Lê sơ. Vì vậy di vật này cho phép tìm hiểu đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ cũng như kiến trúc Thăng Long…", PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.