Phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội được đồng bộ biển quảng cáo và gây tranh cãi kéo dài. Người nói đẹp, người nói xấu. Cá nhân tôi thấy đơn điệu, thậm chí phản cảm. Một bảng hiệu, không đơn thuần chỉ giới hạn ở vấn đề mỹ học. Và qua đó thể hiện chắc chắn, người đưa ra quy hoạch đã không có sự định lượng kỹ càng. Tuyến phố mẫu có thể là tư duy áp đặt chủ quan, bất chấp các quy luật.
Tôi cũng cho rằng, ý kiến phản bác bảng hiệu tuyến phố kiểu mẫu chắc chắn nhiều hơn đồng thuận. Bởi đơn giản, ngay đến cả một cá nhân cũng đều dễ dàng nhận ra những biển hiệu ấy là một sự áp đặt. Tại sao chỉ có màu xanh và màu đỏ? Tại sao các kiểu chữ phải khuôn thước kích cỡ?
Nhiều ý kiến phản bác rất xác đáng về tuyến phố kiểu mẫu. Ví dụ như Thế Giới Di Động màu vàng, FPT ba màu hoặc các thương hiệu khác, sẽ tồn tại như thế nào ở tuyến phố này? Nên nhớ, nhận diện thương hiệu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm với rất nhiều tiền của, doanh nghiệp mới xây dựng được.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2016/images/2016-05-15/1463324661-le-trong-tan.jpg)
Đồng phục biển hiệu gây tranh cãi ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội).
Những tập đoàn lớn như Cocacola, có giá trị thương hiệu được định giá đến hàng trăm tỷ USD, lớn hơn GDP của nhiều nước. Cocacola màu đỏ tươi, không thể tự biến mình thành đỏ thẫm hoặc màu xanh. Tương tự là Pepsi màu xanh dương chứ không phải xanh thẫm. Đó là những thương hiệu được bảo hộ trên phạm vi toàn thế giới. Không thể “gò mình” đổi màu và thay đổi phong chữ theo mệnh lệnh hành chính của quận. Lại tưởng tượng, một thương hiệu tầm cỡ thế giới lại cùng màu, cùng kích cỡ với một quán bún đậu, bi kịch vô cùng.
Nên nhớ, một tập đoàn lớn như Coca hoặc Pepsi sẵn sàng sa thải nhân viên của mình nếu phát hiện dùng sản phẩm hoặc mặc áo của đối thủ. Điều này chứng minh quy hoạch của quận Thanh Xuân đã quá thiếu sót, thậm chí là thiếu hiểu biết cơ bản về thương hiệu doanh nghiệp. Càng chứng minh rằng, mỗi quy hoạch được dựng trên ý chí chủ quan từ phòng lạnh, ra đến đời sống sẽ chỉ mang lại hệ lụy.
Xa hơn tuyến phố kiểu mẫu là một tư duy nguy hiểm: Tư duy mô hình! Nhiều năm qua, tư duy mô hình đã bào mòn giá trị của xã hội trên nhiều phương diện. Từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Có thời, kinh tế mô hình khiến các tập đoàn kinh tế quốc doanh đổ xô đa ngành. Thiệt hại cho nền kinh tế như thế nào thì đã rõ.
Có lúc, mỗi sở ngành, thậm chí từng trường học ra mô hình bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ. Cuối cùng, đất nước lạm phát tiến sĩ. Trong khi các vấn đề xã hội hiển hiện từng ngày, không thấy bóng dáng của họ. Thậm chí, tiến sĩ, thạc sĩ còn trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Đó có phần trách nhiệm của tư duy mô hình.
Đã có thời, rất nhiều chuyện hài được sáng tác, trong đó có chuyện lãnh đạo đến đâu cũng khuyên bà con trồng cây mũi nhọn, nuôi con mũi nhọn. Kết quả, tỉnh nào cũng trồng cây thông và nuôi nhím! Sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Đưa sang tỉnh bạn cũng “đụng hàng” vì toàn thông với nhím.
Xa hơn, là nước Nga thời Xô Viết, người ta xây dựng những tuyến phố y hệt nhau, những tòa nhà tập thể rập khuôn y đúc. Có một người đàn ông uống rượu say vào nhầm nhà người phụ nữ. Anh ta vẫn sinh hoạt bình thường. Thậm chí đồ dùng trong nhà cũng giống nhau nên anh ta tự do tắm rửa, trần truồng và tranh cãi với người phụ nữ suốt cả đêm về việc ai là chủ nhân thực sự của căn hộ.
Tất nhiên, dù chỉ là chuyện hài nhưng nó chứng minh một điều rằng, ý nghĩ chủ quan không bao giờ áp đặt được biến thiên của đời sống. Một chủ trương, không đơn giản là sử dụng mệnh lệnh hành chính một cách chủ quan duy ý chí. Nó là một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, hài hòa các yếu tố chính trị-xã hội thì mới có sức sống và sức thuyết phục.
Cuối cùng, nguy hiểm lớn nhất của tư duy mô hình là triệt tiêu sự khác biệt. Thực tế chứng minh rằng những cá nhân kiệt xuất thay đổi thế giới, luôn có suy nghĩ và hành động khác biệt. Phần khác biệt ấy kế thừa và vượt xa đặc tính chung của những người còn lại.
Đại kiện tướng cờ vua Casparov để thua máy tính, gần đây là vua cờ vây đẳng cấp hàng đầu thế giới người Hàn Quốc cũng thua máy tính. Máy tính được cài đặt khả năng suy đoán tự do để hành động. Tức là, ngay cả một chiếc máy tính, cũng được quyền khác biệt nếu nó tích cực. Chỉ có sự khác biệt mới mang lại sự phát triển, còn tư duy mô hình là điều ngược lại.
Quay lại tuyến phố kiểu mẫu, nó khó có thể coi là một sự sáng tạo khác biệt. Vì sáng tạo cần nên hiểu là khuyến khích cái mới đột phá, hài hòa tất cả các yếu tố. Không phải là sáng tạo kiểu rập khuôn, công thức và đơn điệu hóa sự đa dạng. Bởi vì, bất kỳ ai có đủ lý trí và xúc cảm đều có thể khẳng định: Thế giới không chỉ có hai màu!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.