Hái từ lúc “xanh”Chưa khi nào các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình lại phải cạnh tranh gay cấn như hiện nay, khi mà có quá nhiều các cuộc thi mang lại nguồn lợi khổng lồ từ quảng cáo, tài trợ, tin nhắn bầu chọn cho nhà tổ chức, thì thí sinh lại đang trở thành một nguồn lực hiếm hoi và ngày càng cạn dần.
Từ “Đồ rê mí” cho lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học đến “Giọng hát Việt nhí” cho lứa tuổi từ 9-13, rồi “Giọng hát Việt”, “Sao Mai”, “Vietnam Idol”, “Tiếng hát truyền hình”, “Tôi là người chiến thắng”… thay phiên nhau “quần thảo” trên tất cả các kênh sóng truyền hình. Thế nhưng có vẻ đây vẫn là một sân chơi màu mỡ, bởi vì ngay cuối tháng 10 này, một “ông lớn” khác đầy tiềm năng là “The X- Factor” phiên bản Việt dưới tên gọi “Nhân tố bí ẩn” lại bắt đầu vòng tuyển sinh.
MC Phan Anh trò chuyện với các thí sinh vòng loại Vietnam Idol 2013.
“The X-Factor” là chương trình truyền hình thực tế đã có mặt trên 40 quốc gia. Đặc biệt, tại Anh và Mỹ, chương trình này liên tục giành được các giải thưởng lớn, đồng thời là chương trình truyền hình thực tế được người dân Mỹ yêu thích nhất năm 2012. So với các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát khác như “Giọng hát Việt” hay “Vietnam Idol”... thì “Nhân tố bí ẩn - The X-Factor” có nhiều điểm mới lạ và khác biệt về đối tượng dự thi lẫn cách thức tìm ra người chiến thắng.
Theo đó, chương trình sẽ chia có 4 nhóm đối tượng gồm: Các thí sinh nam từ 16-25 tuổi, các thí sinh nữ từ 16-25 tuổi; các thí sinh nam và nữ từ 25 tuổi trở lên và các nhóm hát trên 16 tuổi, họ sẽ cùng tranh tài và cơ hội cạnh tranh là như nhau. Các thí sinh và nhóm thí sinh này không chỉ đáp ứng yêu cầu là những giọng hát hay mà còn phải là những cá tính âm nhạc nổi trội. Như vậy, “Nhân tố bí ẩn” lại tiếp tục là một cuộc gạn lọc thí sinh từ độ tuổi 16 trở lên, có thể thấy đây sẽ là một sân chơi mới hấp dẫn với các thí sinh, hứa hẹn sẽ hút khán giả.
Tuy nhiên, có một thực tế cần phải tính đến, khi càng ngày độ tuổi của thí sinh các cuộc thi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình càng nhỏ lại, thì điều đó có nghĩa là các tài năng ca hát đã bị “hái non” khi mới nhú hoặc đang xanh. Điều đó dẫn đến một tương lai không mấy vui vẻ, hoặc các em sẽ bị thui chột, hoặc chúng ta sẽ có một lớp ca sĩ chưa được đào tạo đến đầu đến đũa, chưa thực sự trưởng thành chín chắn đã sớm được tung vào guồng quay của danh vọng và tiền bạc.
Và tiếc thay, điều đó đã được chứng minh trong thực tế, ngày càng nhiều những bạn trẻ nuôi giấc mơ “nổi tiếng sau một đêm” đến độ bất chấp tất cả. Tương lai của những “ngôi sao nhí” bước ra từ các cuộc thi như Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy… chắc chắn sẽ không bao giờ có được sự hồn nhiên, vô tư đúng với lứa tuổi của mình được nữa.
“Đãi cát lấy… cát”Trong dân gian có câu “đãi cát tìm vàng” để diễn tả sự nhọc nhằn của công việc tìm kiếm tài năng cũng như độ quý hiếm của các tài năng. Thế nhưng giờ đây, khi mà các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nở rộ quá nhiều, quá tràn lan, chồng chéo tới mức phải giành giật thí sinh của nhau bằng những “chiêu đi đêm” hứa hẹn như vậy, có khả năng các nhà tổ chức đang “đãi cát lấy cát” mà thôi.
Bởi vì không có nhiều thí sinh thực sự tài năng để tìm kiếm, nên đến mùa thứ 2, “Giọng hát Việt” đã bị xuống phong độ thảm hại khi mà tỷ lệ chọn lựa có khi là 60/100 thí sinh mới có đủ người cho các vòng tiếp theo. Chính bởi thế mà nhiều thí sinh giọng rất bình thường, không hề có tố chất cũng được các huấn luyện viên xúm vào giành giật, rồi nhận xét tung lên tận mây xanh, đơn giản vì nếu không làm thế, họ sẽ chẳng có đủ thí sinh cho đội của mình. Rút cục chỉ có khán giả là ngơ ngác, vì buộc phải thưởng thức một món ăn có quá nhiều chất tạo ngọt giả tạo.
Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên cho biết: “Tôi là người nhiều năm làm công tác đào tạo các tài năng thanh nhạc nên tôi biết, lấy đâu ra nhiều giọng ca quý hiếm như thế. Có khi cả một khóa chỉ được từ 1-2 em xuất sắc và khi ra nghề được khán giả biết đến mặt, nhớ đến tên. Mà đó là còn ở trong môi trường được đào tạo chuyên nghiệp, còn các cuộc thi trên truyền hình, chỉ lào phào dăm bữa nửa tháng, hớt váng bề mặt thì làm sao mà tìm ra được những ngôi sao thực chất”.
Nhìn lại các tài năng bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình có thể thấy đúng là một thực tế “sớm nở chóng tàn”, trong những năm gần đây, các “ngôi sao” từ các gameshow truyền hình mọc lên như nấm sau mưa, nhưng thực chất, họ nhanh chóng chìm nghỉm khi bước ra khỏi cuộc thi bởi không có nền tảng vững chắc. Và nói cho cùng, người duy nhất được hưởng lợi ở đây chỉ có các nhà tổ chức, bởi mục đích của họ là lợi nhuận kinh tế, còn người bị thiệt thòi đôi khi lại chính là các thí sinh, bởi có thể họ đã bỏ đi những cơ hội đi lên một cách chắc chắn để đến với một chiếc cầu danh vọng ảo.
Hà Thu (Hà Thu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.