Thưa NSND Lê Khanh, sau khi công diễn, chị đã nhận được những phản hồi như thế nào về vở “Thị Hến”?- Tôi đã nhận được rất nhiều lời khen, đặc biệt năm nay Nhà hát Tuổi Trẻ đã phát phiếu thăm dò cảm nhận của khán giả và tôi đọc được nhiều lời nhận xét khá thú vị như: “Tôi rất thích”, “Cháu rất thích vở diễn “Thị Hến”.
Điều này, khiến tôi rất vui, hạnh phúc và cảm thấy mình đã thoát được nỗi lo sợ khi vở diễn chưa ra rạp. Thứ nhất là nỗi lo vì sự “cũ kỹ” của vở diễn mà có lẽ khán giả sẽ không đón nhận, nhưng hóa ra không phải vậy. Thứ 2 là kịch truyền thống có còn vị trí nào đó trong lòng khán giả hiện tại không, đặc biệt là những vấn đề từ thời cha ông liệu có hợp với thời điểm hiện tại không?
Cảnh trong vở “Thị Hến” do NSND Lê Khanh (phải) đạo diễn.
Nhưng thật may mắn là những vấn đề từ thời xa xưa đó vẫn còn nguyên, vẫn là những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi của ngày hôm nay, ví dụ sự hạch sách của các quan lại, hay là luân lý đạo đức, tiền…
Các diễn viên trẻ của nhà hát có thực hiện được hết nhiệm vụ của chị giao cho không?- Vở kịch thuộc hàng kinh điển của nghệ thuật truyền thống Việt, mà đã là kinh điển thì rất mẫu mực, và như vậy thì không phải diễn viên trẻ có thể làm dễ dàng. Nhưng tôi thật cũng không ngờ các thế hệ diễn viên trẻ đã làm được điều đó. Nên tất cả những điều tôi lo sợ kể trên đều đã giải tỏa được, một cách hoan hỉ, khi vở được biểu diễn.
Vở diễn này cũng hơi số phận, khi đạo diễn cũng là nữ, đều có chung chữ thị, “Thị Khanh” và “Thị Hến” (cười). Có thể nói, khán giả đã đón nhận một cách thú vị, một sự khám phá mới, bởi “Thị Hến” là một vở diễn hài mang đến tiếng cười sảng khoái, nhưng lại vô cùng sâu sắc và tinh tế. Ngoài ra, hình thức vở diễn trong “Thị Hến” cũng rất đặc biệt, khi mang màu sắc dân gian, thơm tho mùi đồng quê, gắn bó với rất nhiều kỷ niệm, cuộc sống của nhiều khán giả.
Xin hỏi, chị có nhận được những phản hồi trái chiều?- À, tôi cũng có nhận được một vài ý kiến phản hồi, nhưng không hẳn là trái chiều, mà những phản hồi này của khán giả giống như sự mong muốn, kiểu như, giá như với vai diễn Thị Hến mà lẳng lơ hơn nữa thì tốt, hay vai ông quan mà gian manh, sắc sảo hơn nữa thì sẽ hay hơn… Thậm chí nhiều khán giả còn góp ý cả về trang phục diễn viên. Với tất cả những điều đó, tôi thấy được rằng, khán giả đã không phải xem lướt, không phải xem để khen theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Một điều thú vị mà tôi đã hồi hộp dõi theo suốt từ hôm ra mắt đến bây giờ là với hơn 10 buổi công diễn, đó chính là đối tượng khán giả trẻ. Vì thường thường, những vở diễn mang tính truyền thống như thế này, chỉ có thể khiến khán giả lứa tuổi già cũng như lứa tuổi trung niên mới thích xem, thế nhưng mỗi buổi công diễn tôi lại thấy số lượng khán giả trẻ đến xem chiếm tỷ lệ đông hơn khán giả lứa tuổi trung niên.
Ngoài những điều chị nói trên, “Thị Hến” còn sử dụng thủ pháp gì mới để hấp dẫn khán giả?- Trong vở này, tôi đã tuyệt đối sử dụng thủ pháp ước lệ, một thủ pháp có thể nói mang phong cách hiện đại thế giới. Bởi xu thế sân khấu thế giới dần dần mọi thứ sẽ trở nên tối giản, mà tính ước lệ sân khấu truyền thống Việt Nam lại chính là sự tối giản. Ngoài ra, một thủ pháp mới nữa mà tôi triệt để sử dụng trong vở chính là vai trò của dàn đế, cùa dàn bao. Tức là tôi đã tạo tiếng động, âm thanh như tiếng nhộn nhịp của buổi chợ sớm ở quê, tiếng đêm khuya thanh vắng với ễnh ương, nhái kêu, tiếng con vật kêu, không gian của bình minh, hoàng hôn… đều do các diễn viên trẻ tạo nên, xen kẽ trong vở diễn chứ không phải những tiếng động đó được thu âm, được tạo nên bởi dàn nhạc và mở ra từ những chiếc đĩa.
Bên cạnh đó, tôi muốn khán giả, đặc biệt khán giả trẻ có thể biết, hiểu thời kỳ đó phong cách ăn mặc, quần áo như thế nào… nên tôi đã giữ nguyên trang phục truyền thống, dân gian mà không cách tân như nhiều vở đã làm.
Như chị chia sẻ, trung tâm chủ đề của vở “Thị Hến” là nhân vật nữ, và người làm công tác đạo diễn cũng là nữ. Vậy chị có nghĩ giữa “Thị Khanh” và “Thị Hến” có một lương duyên?
Bản thân tôi, khi nhìn vào thế giới phụ nữ trong “Thị Hến”, tôi lại thấy vừa thương mình, vừa phục mình, xót xa và đầy sự chia sẻ”. NSND Lê Khanh
|
- À, tôi nghĩ là có đấy, bởi ngay từ lúc đầu, khi tôi chọn vở diễn kinh điển “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” tôi đã đổi sang thành “Thị Hến”, với muốn soi chiếu ở một góc cạnh khác, một góc nhìn mà trước đó vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” đã được lớp cha, ông, anh khai thác theo cách nhìn của những người đàn ông.
Giờ đây lại được soi chiếu từ chính ánh nhìn của người phụ nữ thì chắc chắn sẽ nhìn thấy được nhiều vấn đề hơn. Một sự soi chiếu rất phụ nữ khi nhìn về nhân vật nữ - nhân vật trung tâm của mọi vấn đề gây nên mâu thuẫn, kịch tính. Từ cái nhìn về một Thị Hến, lẳng lơ, đanh đá, “thảo mai”, còn là cái nhìn cảm thông, ngưỡng mộ về sự sắc sảo, mạnh mẽ, linh hoạt và bản lĩnh...
Và bản thân tôi, khi nhìn vào thế giới phụ nữ trong Thị Hến, tôi lại thấy vừa thương mình, vừa phục mình, xót xa và đầy sự chia sẻ. Tất cả những điều đó, tôi đã gửi gắm vào trong vở “Thị Hến”, trong phần xưng danh rằng: “Thiếp Thị Hến là danh, chồng tôi từ sớm khuất non xanh/Một mình thiếp náu nương nhà bạc/Khi chồng tôi còn sống, là vợ chồng tôi lam lũ 2 sương một nắng/khi chồng tôi chết đi, thì tôi đây bán buôn, đổi chác...”.
Xin cảm ơn chị!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.