Thị trường ngày Mùng 4 Tết đã sôi động hơn

PV Thứ tư, ngày 25/01/2023 11:27 AM (GMT+7)
Ngày Mùng 4 Tết, thị trường đã sôi động hơn, tuy nhiên do đầu năm, người dân chủ yếu đi lễ chùa và đi chơi Tết nên hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn rất ít.
Bình luận 0

Ngày Mùng 4 Tết, thị trường đã sôi động hơn, tuy nhiên do đầu năm, người dân chủ yếu đi lễ chùa và đi chơi Tết nên hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn rất ít. Trong ngày Mùng 4 đã có thêm một số trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa bán hàng trở lại như: Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Central Retail mở cửa từ 10h-22h. Hệ thống siêu thị Aeon mở cửa bình thường từ 8h-22h, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op mở cửa trong buổi sáng, MM Mega Market mở cửa hoạt động bình thường,... Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với trước Tết.

Tại các chợ, một số tiểu thương đã bày bán các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm tại các đền, chùa và bắt đầu bán rau xanh, cá, thịt trở lại nên các mặt hàng được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như rau xanh, thủy sản, hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc cúng lễ. Giá các mặt hàng này tương đương so với thời điểm sát Tết.

Thị trường ngày Mùng 4 Tết đã sôi động hơn - Ảnh 1.

Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày Mùng 4 Tết tại các siêu thị ổn định so với những ngày sát Tết.

Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày Mùng 4 Tết tại các siêu thị ổn định so với những ngày sát Tết, cụ thể như sau: Mặt hàng lương thực giá ổn định: Giá các loại gạo tẻ thường từ 16.000-20.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 25.000 - 42.000 đồng/kg.

Mặt hàng thực phẩm: Giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn, thăn) ở mức 150.000 – 220.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn mông, sấn vai, dao động ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 90.000-110.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 315.000-350.000 đồng/kg.

Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 150.000-220.000 đồng/kg; giò bò 250.000-280.000 đồng/kg; lạp xưởng vissan: 180.000-230.000 đồng/kg tùy chủng loại.

Mặt hàng công nghệ thực phẩm: Đường bán lẻ ở mức 26.000-30.000 đồng/kg; dầu ăn: 60.000-65.000 đồng/lít, bia lon Tiger từ 360.000-370.000 đồng/thùng; Cocacola 180.000-190.000 đồng/thùng; bia lon Sài Gòn giá 280.000-350.000 đồng/thùng (tùy loại).

Hoa, quả các loại: Táo nhập khẩu 70.000-200.000 đồng/kg (tùy loại), xoài cát chu: 50.000-60.000 đồng/kg, bưởi hồng da xanh 60.000-70.000 đồng/kg; cam canh 55.000 – 70.000 đồng/kg…

Dự báo: Trong ngày Mùng 5, 6 Tết hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn, các chợ dân sinh bắt đầu bán hàng đông đúc trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, giá bán tương đương với những ngày sát Tết. 

Thị trường ngày Mùng 4 Tết đã sôi động hơn - Ảnh 2.

Ngày Mùng 4 Tết, thị trường đã sôi động hơn, tuy nhiên do đầu năm, người dân chủ yếu đi lễ chùa và đi chơi Tết nên hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn rất ít.

Theo đánh giá của ngành công thương, nhìn chung, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tung ra nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu nhân dân mua sắm Tết. Một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa phục vụ nhân dân ngay từ những ngày đầu năm. Giá cả thị trường mặt hàng như lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia có tăng nhẹ nhưng không có biến động lớn.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những ngày Tết không có diễn biến phức tạp, không phát hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ và các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, về mặt bằng giá cả thị trường trước và trong Tết (tính đến ngày 23/1), cơ quan này đánh giá không có biến động bất thường, một số hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Đơn cử, những ngày sát Tết giá gạo chất lượng cao như gạo nếp tăng nhẹ 3-5% so với ngày thường, giá gạo tẻ ổn định; giá thịt bò, gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg tùy địa phương; giá lợn hơi và thịt thành phẩm ổn định so với giai đoạn trước Tết, không có biến động lớn...

Cơ quan quản lý giá cho rằng năm nay nguồn cung hàng hóa vẫn được đảm bảo nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước.

Về tình hình giá cả sau Tết và cả năm 2023, Bộ Tài chính dự báo có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Cụ thể, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết.

Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường, trong đó giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm; giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường. Trong đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý I. Một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá...

Ngoài ra, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn bị ảnh hưởng... Một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm.

Ngược lại, cũng có một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá như nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại; nguồn cung hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào...

Từ các dự báo nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị một số biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Bộ Tài chính nhấn mạnh công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật giá sửa đổi. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đến việc điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Tình hình chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT ngày 07/11/2022 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước trong và sau Tết Nguyên Quý Mão 2023; Công văn số 77/TCQLTT-CNV ngày 15/01/2023 về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Qua đó, quán triệt các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến đường bộ, đường sắt…nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức trong đơn vị để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định.

Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường

Từ 10h ngày 20/01/2023 đến 10h ngày 23/01/2023, theo báo cáo nhanh của các đơn vị, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 20 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 26 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc lá nhập lậu.

* Thực hiện việc kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Công văn số 77/TCQLTT-CNV ngày 15/01/2023 của Tổng cục về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Qua công tác giám sát, phát hiện một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm dừng bán hàng do chưa kịp nhập hàng, lực lượng QLTT đã yêu cầu các cửa hàng khẩn trương nhập hàng xăng, dầu để hoạt động kinh doanh bình thường theo đúng quy định pháp luật.

Tại Đồng Nai, lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện 01 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghỉ bán hàng nhưng chưa xuất trình được văn bản chấp thuận nghỉ bán hàng của cơ quan chức năng, lực lượng QLTT đã lập biên bản để xử lý theo quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem