Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo ông Phùng Hà - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Mặc dù thời điểm này, giá phân bón đang giảm so với năm 2022 nhưng vẫn neo ở mức cao và hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng như diễn biến của xung đột Nga – Ukraine" – ông Phùng Hà nhận định.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tổng nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm. Năm 2022, tổng sản lượng phân bón sản xuất trong nước đạt khoảng 7,5 triệu tấn; trong đó khối lượng phân bón hữu cơ đạt 2,91 triệu tấn, tăng 13,9% so với năm 2021.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón trong giai đoạn 2021-2022 tăng cao nhất trong khoảng 50 năm qua. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón như trước đó, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới cũng dồi dào hơn, giúp giá phân bón dần hạ nhiệt.
Năm 2022, xuất khẩu phân bón của Việt Nam cũng vượt xa về lượng, đạt tới mức 1,7 triệu tấn và do yếu tố về giá nên đã lần đầu tiên vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp như ure, kali hay SA trên thị trường đều có giá thấp hơn năm 2022. Đơn cử như ure khoảng 11.000 đồng/kg, giảm hơn 3.000- 4.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm ổn định giá phân bón hợp lý tới tay nông dân, Supe Lâm Thao đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu SA giá tốt từ Trung Đông, châu Phi và ure từ các nhà máy trong nước. Từ trước Tết âm lịch, đơn vị đã chuẩn bị các lô nguyên liệu lớn như SA, lưu huỳnh, kali.
Theo đó, lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón của Supe Lâm Thao đủ cho ít nhất 3 tháng và với giá nhập về hợp lý nhất. Đặc biệt là từ quý II/2022, Supe Lâm Thao đã không tăng giá bán phân bón bán ra tương ứng, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng rất mạnh.
"Hiện nay, kho hàng của Supe Lâm Thao luôn có trên 30.000 tấn phân bón các loại, cộng thêm sản lượng sản xuất gần 2.000 tấn phân bón/ngày, sẵn sàng xuất bán nên không lo thiếu hàng cho vụ đông xuân 2022-2023" - ông Hồng khẳng định.
Tìm cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả
Trước dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân và ngành nông nghiệp, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ phân bón cho thị trường trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh khuyến cáo các doanh nghiệp cần phát triển cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ. Đây sẽ là xu thế phát triển tất yếu, đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường...
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bình ổn thị trường phân bón; chủ động phối hợp với Bộ NNPTNT, các ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Đồng thời, thực hiện giải pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.
Theo ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lâu nay chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nông sản, vì thế việc tìm các giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối sẽ giúp giảm chi phí đầu vào.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hợp lý; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.