Tại TP.HCM, môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT là Ngữ Văn vừa kết thúc.
Thí sinh đầu tiên bước ra phòng thi tại hội đồng thi trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (quận 10)
Đúng theo thông tin từ phía Sở GD-ĐT đưa ra, đề thi năm nay tập trung vào những câu hỏi mang tính gợi mở, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng những kiến thức xã hội bên cạnh những kiến thức trên ghế nhà trường để làm bài.
Trong đó, ở câu số 1, bên cạnh những câu hỏi liên quan đến ngữ pháp của một đoạn văn, đề thi còn yêu cầu các em nêu ý nghĩa và cảm nhận của bản thân mình đối với bài hát Quốc ca. Qua đó, nêu những nhận xét về thực trạng hát Quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay.
Câu số 2 lại là một vấn đề thời sự, khi nói đến sự vô cảm, vốn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm thời gian gần đây:
“Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình;…
Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…
Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình”.
-Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Nhận xét về đề thi môn Văn, em Nguyễn Thị Hồng Nga (điểm thi THPT Nguyễn Du, Q.10) cho biết: “Đề thi năm nay có đến 2 câu hỏi mở thuộc phần tự luận, đề thi này khá thú vị nhưng cũng không dễ dàng. Bản thân em tuy không nắm chắc có thể lấy điểm tuyệt đối nhưng em thích ra đề như thế này vì qua nó em có thể bộc lộ suy nghĩ của bản thân mình”.
Đồng quan điểm, thí sinh Minh Thùy (thuộc điểm thi trên) cũng cho biết: Trong đề thi môn Văn năm nay, em thấy câu hỏi mở về vấn đề vô cảm là lý thú nhất. Đây là vấn đề gần gũi với cuộc sống của chúng em nên em làm khá tốt.
Đề thi môn Văn vào lớp 10 tại TP.HCM
Đa phần thí sinh đều đánh giá đề thi năm nay không khó, khá độc nhưng cũng giúp các em giảm bớt căng thẳng so với việc phải căng sức ra để học lý thuyết như mọi năm.
Là một trong những thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên tại hội đồng thi trường THPT Lê Hồng Phong, Nguyễn Công Quốc Khánh, học sinh trường THCS Đống Đa cho biết, đề thi năm nay không khó. “Tuy có một vài chỗ chưa ưng ý nhưng nhìn chung em cũng làm được khoảng 85% yêu cầu mà đề thi đưa ra. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với câu số 2, bởi thời gian gần đây, thông qua báo chí, em cũng đã được biết rất nhiều câu chuyên liên quan tới vấn đề này. Theo em, đây không phải chỉ là chuyện riêng của một nhóm bạn trẻ mà là câu chuyện của cả giới trẻ nói chung”.
Nhiều thí sinh tỏ ra thoải mái sau môn thi Ngữ văn sáng nay
Cùng chung nhận định, thí sinh Phạm Ngọc Như Châu, trường THCS Nguyễn Trãi chia sẻ: “Trước khi thi, em có một chút lo lắng, nhưng đọc đề thi rồi thì lại cảm thấy hết sức hào hứng. Một phần bởi nó nằm trong khả năng, kiến thức mà mình đã có, một phần bởi nó đánh đúng những vấn đề thời sự nóng hổi nhất của nước nhà”.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Khang, trường THCS Nguyễn Gia Thiều lại cho rằng, đề thi không khó nhưng nếu để đạt điểm cao chắc cũng không dễ dàng. “Với những câu hỏi về lý thuyết, bọn em có thể làm tốt, nhưng với những câu hỏi yêu cầu kiến thức xã hội mở rộng, không phải ai trong chúng em cũng có thể nắm rõ. Nhiều khi, vốn kiến thức sống của tụi em cũng chưa đủ để có thể cảm nhận hết những gì mà đề thi đề ra”.
Tại Hà Nội, kết thúc 120 phút làm bài thi môn Văn tại Trường chuyên Hà Nội Amsterdam, phần lớn thí sinh đều có tâm trạng hồ hởi. Nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức, không khó.
Thí sinh dự thi tại trường chuyên Hà Nội Amsterdam
Đề thi môn Ngữ văn năm nay có 2 phần. Phần I (7 điểm) hỏi về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (nhà thơ Huy Cận). Phần II (3 điểm), hỏi về đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê.
Bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, Bùi Đức Hoàng, học sinh trường THCS Yên Hòa, Hà Nội cho biết, đề thi phù hợp với sức của em. Hoàng làm được 90% câu hỏi trong đề thi. Trong phần câu hỏi liên hệ với cá nhân và tập thể, Hoàng đã đem chủ đề biển đảo vào bài thi.
Đề thi môn Văn vào lớp 10
“Trong phần câu hỏi này, em đã đưa câu chuyện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau đó, Trung Quốc đã có những hành động hung hăng, cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982, trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực”, Hoàng chia sẻ.
Theo Hoàng, trong bài làm của mình Hoàng đã nêu bật ý, người dân cả nước cùng đồng hành, chia sẻ, gắn kết với nhau, thể hiện tình yêu nước. Từ nhà trường đến nơi làm việc, học sinh đến người lớn đều có những cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước khác nhau, làm nên mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
Thí sinh hào hứng chia sẻ sau giờ làm bài thi môn Văn
Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, câu hỏi trong phần đề thi tương đối dễ, nằm trong chương trình ôn luyện. Nội dung trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (nhà thơ Huy Cận) Ánh đã ôn kỹ nên không mất nhiều thời gian để hoàn thiện bài.
Tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, Ngô Phương Thảo, học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đề thi năm nay không quá khó với thí sinh. Trong đề thi có 2 phần, Thảo thấy khó ở câu 4 phần 1 và câu 3 phần 2. Hai câu này đòi hỏi thí sinh phải viết tốt, có kiến thức và trình bày mạch lạc, đúng trọng tâm mới được tối đa điểm.
Thí sinh dự thi trường Chu Văn An tự tin với phần bài làm môn Văn
“Trong đề có câu vận dụng vào kiến thức thực tế để viết về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là khó nhất. Câu này đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết xã hội vào cuộc sống. Trong bài em chọn chủ đề tranh giành nhau khi đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mới để minh chứng cho ý này”, Thảo nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.